Câu chuyện Việt Nam qua thành ngữ (Phần 1): Thế kỷ 20 - Dân Làm Báo

Câu chuyện Việt Nam qua thành ngữ (Phần 1): Thế kỷ 20

Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) Trong thế kỷ 20, Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng theo tình hình thế giới. Từ cuộc tranh đấu chống Pháp cho tới chiến tranh Việt Nam, dân Việt Nam phải chịu đựng biết bao nhiêu nỗi đau thương. Hồ Chí Minh và các đồng chí đem chủ nghĩa ngoại bang thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, tạo ra cảnh chiến tranh khốc liệt giữa hai miền Nam Bắc. Sau khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, người dân Việt lại còn bị hành hạ cướp bóc dưới sự đô hộ dã man tàn bạo của cộng sản.

*

Chơi chữ không những là một hình thức giải trí mà còn giúp xả căng thẳng, nhất là khi có những chuyện bực bội, cay đắng, giận dữ về những đối tượng mà người ta không muốn đối phó mặt đối mặt. Một trong những đối tượng thông thường đó là chính phủ. Hầu như khắp nơi trên thế giới tự do dân chủ, chế nhạo vả nhiều khi mạ lỵ chính phủ công khai xảy ra rất thông thường. Tại các xứ độc tài, cộng sản, chuyện đó hầu như không có. Tuy nhiên, điều đó không cản được dân chế giểu chính phủ qua những phương tiện không chính thức. Các hình thức chơi chữ gồm có nói lái, tiếng lóng, viết ra chữ viết tắt, và tô điểm thêm với thành ngữ và tục ngữ. Đặc biệt, thành ngữ, tục ngữ, và ca dao thường được dùng để chỉ trích hoặc nhạo báng chính phủ, vì tính chất hài hước và tượng hình của những thể loại này.

Trong phần sau đây, câu chuyện về Việt Nam trong thế kỷ 20 và 21 được kể qua thành ngữ và thỉnh thoảng tục ngữ, ca dao, tiếng lóng và quán ngữ Việt Nam. Sự châm biếm được thấy rõ với số lượng rất nhiều những từ ngữ này, hơn một ngàn, chính xác tổng cộng là 1071, trong số đó hơn 95% là thành ngữ, đa số dưới dạng bốn chữ. Có những nhóm chữ có thể không phải là thành ngữ, mà chỉ là tiếng lóng hoặc quán ngữ, nhưng vì ý nghĩa có chút khôi hài hoặc châm biếm nên tôi cũng dùng trong câu chuyện này. Những thành ngữ này là những thành ngữ đã có sẵn từ lâu trong tiếng Việt. Có nhiều thành ngữ hoặc tiếng lóng mới do người dân sáng chế để chế nhạo chế độ và chính quyền cộng sản trong suốt 70 năm ở miền Bắc và 40 năm ở miền Nam. Lẽ dĩ nhiên, những thành ngữ hoặc tiếng lóng này không được lưu hành chính thức hiện nay. Trong bài này, tôi không dùng những thành ngữ hoặc tiếng lóng này mà chỉ dùng từ ngữ được lưu hành chính thức. Lý do đơn giản là ta không thể kể các câu chuyện về cộng sản mà dùng những thành ngữ sáng tạo do từ các câu chuyện đó. Thí dụ, ta không thể dùng thành ngữ mới "bịt râu đeo kính" (xem, thí dụ như, Cao-Đắc 2014d) khi kể chuyện Hồ Chí Minh bịt râu vả Trường Chinh đeo kính đi xem buổi đấu tố/ hành quyết bà Nguyễn Thị Năm.

Câu chuyện Việt Nam trong thế kỷ 20 và 21 được chia ra thành ba phần. Phần 1 nói về thế kỷ 20. Phần 2 nói về thế kỷ 21 (cho tới hiện đại). Phần 3 nói về cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ hiện nay. Phần 4 là phụ lục gồm có danh sách toàn bộ thành ngữ, tục ngữ, tiếng lóng dùng trong câu chuyện, và một phần tài liệu tham khảo. Tuy câu chuyện có hình thức châm biếm và đôi khi phóng đại qua các thành ngữ, nội dung về lịch sử được kể với sự chính xác khách quan trung thực dựa vào nhiều tài liệu tham cứu. Phần phụ lục liệt kê một phần những nguồn gốc tham khảo có thêm ghi chú liên hê ̣đến câu chuyện. Tuy nhiên, sự trình bày của tôi hẳn nhiên có nhiều sơ sót. Mục đích chính của tôi là đem lại chút thú vị cho độc giả khi đọc những chi tiết lịch sử khô khan.

Phần 1: Thế kỷ 20

Đất nước Việt Nam vào cuối thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi ở dưới chế độ quân chủ chuyên chế với sự kiểm soát và cai trị của thực dân Pháp. Lũ thực dân Pháp bóc lột Việt Nam dưới danh nghĩa ba miền Việt Nam là đất bảo hộ (Bắc Kỳ và Trung Kỳ) và thuộc địa (Nam Kỳ) trong khối Đông Dương. Họ xây cầu, làm đường xe lửa, và đường xá thành phố. Họ lập trường để huấn luyện thợ thuyền và nhân viên làm việc cho họ. Nhưng lũ Pháp rõ ràng là có âm mưu đen tối vì mọi phí tổn cho những dịch vụ và dự án xây cất này lấy từ sưu cao thuế nặng đặt lên dân Việt. Lũ Pháp coi dân Việt bằng nửa con mắt. Tuy chúng có mướn thợ thuyền địa phương, chúng trả lương rẻ mạt. Chúng tuyên bố là mang phúc lợi cho dân Việt nhưng những lợi này chẳng thấm tháp gì so với những lợi lộc chúng lấy từ Việt Nam. 

Triều đình quan lại bất lực chỉ là bù nhìn, không biết làm sao, nên bưng tai giả điếc nhiều khi lại còn hợp tác với Pháp vì lũ Pháp nắm hết quyền hành. Căm phẫn bởi sự thống trị hà khắc của thực dân Pháp và sự bất lực triều đình, biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa nổi lên, từ Nam ra Bắc, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Nhưng nói dễ làm khó, những cuộc khởi nghĩa không đủ mạnh vì thiếu quân số và vũ khí, chỉ có ảnh hưởng địa phương. Đã thế, chín người mười ý, các cuộc kháng chiến thiếu đoàn kết để tạo thành lực lượng toàn quốc. Thế rồi, mưu sự tại nhân thành sự tại thiên, mặc dù các cuộc khởi nghĩa gây khó khăn cho Pháp, sau cùng cũng bị Pháp dẹp dần. Vào đầu thế kỷ 20, khi các cuộc khởi nghĩa chống Pháp bớt dần, Pháp bắt đầu đặt nền móng cai trị quy củ lên Đông Dương. Nhờ sự phát triển chữ Quốc ngữ và báo chí, một giới trí thức mới bắt đầu hình thành. Ngoài ra, vì nhu cầu nhân sự địa phương, Pháp giúp đỡ dân Việt trong các vấn đề học hành, báo chí và hội họp. Nhờ vậy nhiều người Việt Nam mở mang kiến thức, hấp thụ ý tưởng và văn hóa Tây Phương, và còn được qua Pháp ăn học.

Nguyễn Tất Thành là người du thủ du thực, bỏ học và bỏ nhà ra đi vào năm 1911. Hắn sống cuộc đời ba chìm bảy nổi lênh đênh trên biển trôi sông lạc chợ vòng quanh thế giới làm phụ bếp dưới tàu và lang thang trên đất liền ăn bờ ở bụi làm các việc lặt vặt như mèo mù móc cống khi tàu cặp bến, tứ cố vô thân, nay đây mai đó trong 8 năm trời. Hắn đến Paris năm 1919 bơ vơ như chó lạc đàn, lơ láo như bù nhìn nên ăn nhờ ở đậu nhà ông Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh. Thành giao du với các nhà trí thức này và trở thành một phần tử của nhóm họ gọi là nhóm Ngũ Long. Những người kia của nhóm là các ông Trinh, Trường, Nguyễn Thế Truyền, và Nguyễn An Ninh, là những người yêu nước hoạt động chống thực dân Pháp. Vì dốt đặc cán mai, kém cỏi tiếng Pháp, và chân ướt chân ráo mới đến Paris cà lơ thất thểu, Thành là kẻ thừa thãi trong nhóm. Hắn chỉ được giao phó nhiệm vụ đưa bản văn "Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam" tới hội nghị Versailles và sau đó bài vở của các ông Trường, Truyền, và Ninh dưới bút danh nhóm là Nguyễn Ái Quốc tới các toà báo. Vì mật thám Pháp chưa có hồ sơ nhiều gì về hắn lúc ấy, hắn được các ông Trường, Truyền, và Ninh phái đi mượn sách vở tài liệu ở thư viện để họ biên soạn sách "Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp." Thành lợi dụng thời cơ và gây lẫn lộn cho mọi người tự xưng là Nguyễn Ái Quốc để lấy uy tín. 

Vì chẳng có nghề ngỗng gì và ăn báo cô ông Trường và ông Trinh mãi cũng kỳ, Thành cố xoay xở kiếm ăn. Hắn nghĩ là có thể tìm công kiếm việc bằng cách viết báo chống chính quyền Pháp như các ông Trường và Truyền. Thế là hắn nghiên cứu chính trị và cách mạng. Hắn mượn sách thư viện viết bởi Karl Marx, ráng học hỏi về lý thuyết Marx. Nhưng vì tư chất dốt nát, hắn đọc mãi mà không hiểu nên dùng quyển sách đó để gối đầu giường. Sau đó, có người cho hắn coi bài luận đề viết bởi Lenin về thể chế thuộc địa và thực dân. Mắt Thành sáng rực lên khi hắn đọc chữ "thuộc địa" trong bài đó. Sau khi đọc xong, Thành nhảy cà tưng cà tưng vì sung sướng. Như Archimedes la hét "Eureka!" hắn tưởng đã tìm ra chân lý. Vì không rành lịch sử nước Việt, hắn không biết là cái chân lý đánh đuổi ngoại xâm đã được biết xưa như trái đất và thực hiện cả mấy ngàn năm trước từ thời Hai Bà Trưng mà chẳng cần phải có một nhãn hiệu ý thức hệ nào.

Với tên Nguyễn Ái Quốc và mớ kiến thức mới thâu lượm, hắn bắt đầu ăn nói vung vít như là một nhà cách mạng thứ thiệt. Chẳng bao lâu, nỗ lực của hắn được đền bù. Hắn được kết nạp làm tác nhân Quốc tế cộng sản. Sau này hắn dựa vào tên Nguyễn Ái Quốc, tự nhận là tác giả "Thỉnh nguyện" và "Bản án" để tô rồng vẽ rắn quá trình hoạt động cách mạng của mình. Trên thực tế, từ lúc qua Liên Xô làm việc cho Đệ Tam Quốc Tế và đi qua Trung Hoa, hắn chỉ tha phương cầu thực làm tác nhân cho cộng sản¸ lang thang trên đất khách quê người. Trong những năm đó, hắn không hề có hoạt động nào cho thấy hắn thực sự tranh đấu cho nền tự chủ Việt Nam. Với hắn, của trọng hơn người. Khi hắn đói ăn vụng túng làm càn, bần cùng sinh đạo tặc bán đứng cụ Phan Bội Châu, người yêu nước chân chính, cho Pháp, hắn đã chứng tỏ phẩm cách của hắn ăn ở hai lòng phản bội tổ quốc. Là người gian xảo, hắn bưng bít mọi chuyện về cuộc đời mình để che mắt thế gian. Ngày sinh tháng đẻ, ngay cả chuyện vợ con, hắn giấu như mèo giấu cứt. Hắn lấy bà Tăng Tuyết Minh bên Tàu, rồi quất ngựa truy phong, tham vàng bỏ ngãi bỏ vợ cao bay xa chạy khi quân Trung hoa quốc gia của Tưởng Giới Thạch lùng bắt cộng sản. Hắn trở lại Nga, qua Pháp, rồi sang Thái Lan, tiếp tục làm việc cho Quốc tế cộng sản. 

Vào đầu năm 1930, Quốc và một vài người khác túm năm tụm ba, nhớn nha nhớn nhác trong một cuộc họp bí mật tổ chức tại một trận đá banh tại Hồng Kông, vừa coi đá banh vừa bàn bạc. Vì đảng cộng sản là một hội kín nên ai cũng lấm la lấm lét. Nói chuyện với nhau mà cặp mắt láo liên, nhìn trước trông sau, sợ tai vách mạch rừng. Sau cuộc họp thì Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) ra đời. Tuy nhiên, Quốc tế Cộng sản bắ̀t phải thay lông đổi cánh thành Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) vào cuối năm 1930. Hắn đóng vai trò liên lạc giữa ĐCSĐD và Quốc tế cộng sản. Trong khoảng thời gian này, dân Việt ngày càng tức giận sự bóc lột của Pháp nên khởi động một loạt các cuộc nổi dậy bùng nổ bắt đầu từ Nghệ Tĩnh, theo sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức bởi Việt Nam Quốc Dân Đảng. Háo hức muốn kiếm điểm với cấp trên, Quốc láu ta láu táu báo cáo Quốc tế Cộng sản về cuộc nổi dậy. Hắn còn nhanh nhẩu đoảng nói bừa là nông dân tổ chức chính quyền làng địa phương ở Nghệ Tĩnh dựa vào kiểu Xô viết. ĐCSVN sau này chụp vào cái báo cáo có hàng chữ Xô viết đó mà tuyên bố cuộc nổi dậy ở Nghệ Tĩnh được các thành viên họ lãnh đạo. Thực ra, không có lãnh đạo cộng sản nào dính líu đến cuộc nổi dậy và cũng không có các chính phủ địa phương kiểu Xô viết mà chỉ là thuần túy dân làng tự trị theo chính sách phép vua thua lệ làng. Vụ Xô viết Nghệ Tĩnh là khởi đầu cho một loạt các vụ lừa đảo mà ĐCSVN tạo ra từ lúc thành lập cho tới bây giờ. 

Năm 1939, Thế chiến thứ hai bùng nổ. Tháng 9 năm 1940, Pháp ký thỏa hiệp với Nhật đồng ý cho Nhật mang quân đóng tại Bắc Việt. Tháng 7 năm 1941, Nhật được thể làm tới, đem quân vào miền Nam Việt Nam, chuẩn bị cho mặt trận Thái Bình Dương. Trong lúc này, Quốc được gửi sang Tàu để giúp tạo dựng chi nhánh cộng sản tại đó. Năm 1941, hắn trở về Việt Nam lần đầu sau 30 năm xa nước. Hắn bắt đầu thay hình đổi dạng và kéo bè kéo cánh. Tại Pác Bó, trong lúc ăn hang ở hốc, cùng với các đồng chí bàn ra tán vô, hắn đóng góp trong việc thành lập Việt minh dưới sự bảo trợ của ĐCSĐD. Việt minh hô hào dân Việt tham gia, lừa đảo dân bằng chiêu bài yêu nước thương nòi, giấu giếm tông tích cộng sản. Vì vậy, Việt minh kết nạp được một số người quốc gia lúc ban đầu. Bấy giờ Thế chiến thứ hai đang tới thời kỳ khốc liệt. Tháng 12 năm 1941, Nhật dám vuốt râu hùm công kích Hoa Kỳ tại Trân châu cảng khiến Hoa Kỳ nổi trận lôi đình, gia nhập Thế chiến thứ hai, liên kết với các đồng minh để đánh phe Trục gồm có Đức, Ý, và Nhật.

Năm 1942, Quốc thay tên đổi họ thành Hồ Chí Minh, mang giấy tờ giả mạo đi qua Tàu để kết bè kết đảng với đảng cộng sản Tàu bấy giờ. Nhưng đi đêm có ngày gặp ma, hắn bị quân quốc gia Trung hoa bắt tại Liễu châu. Trong lúc ở trong trại giam, hắn vớ được một tập thơ viết bởi một người Tàu, với nhan đề "Nhật ký trong tù." Khi bị điều tra thẩm vấn về chuyến đi thì hắn trơ như mặt thớt, chối loanh quanh không nhận là theo cộng sản. Đã thế hắn lại còn ba hoa chích chòe với tướng Trương Phát Khuê của Trung hoa quốc dân đảng để được tham gia việc tổ chức lại Đồng Minh Hội chống Nhật. Tới năm 1943, tướng Trương Phát Khuê đâu ngờ nuôi ong tay áo, lại còn mở đường cho kẻ trộm, thả Hồ về Việt Nam, cho hắn tháo cũi sổ lồng

Khi trở về Việt Nam, Hồ và các đồng chí uống máu ăn thề tăng cường hoạt động. Đảng Việt minh mọc lông mọc cánh, dụ dỗ giới trí thức và dân ngu khu đen dưới danh nghĩa chống thực dân Pháp. Trong khoảng thời gian này, hắn móc nối được với Văn phòng dịch vụ chiến thuật (Office of Strategic Services - O.S.S.) của Hoa Kỳ và vì buôn có bạn, bán có phường, hắn hợp tác với Hoa Kỳ trong việc báo cáo đường đi nước bước và hoạt động Nhật đang đóng quân tại Bắc Việt. Đổi lại, O.S.S. gửi nhân viên huấn luyện lính Việt minh dùng dụng cụ truyền thông và vũ khí. Hồ tận dụng triệt để mối liên hệ với Hoa Kỳ để quảng cáo Việt Minh. Khi gặp tướng Mỹ Chennault, hắn xin ảnh và chữ ký của tướng Chennault. Sau đó mỗi khi hắn đi đâu, hắn ve vẩy tấm ảnh có chữ ký đó để đi hù thiên hạ, dùng Hoa Kỳ để treo đầu dê bán thịt chó.

Năm 1945, Đồng minh đánh tan phe Trục tại Âu châu. Thế chiến thứ hai sắp tới màn kết thúc, nhưng Nhật vẫn còn hung hăng con bọ xít, đảo chánh Pháp vào tháng 3. Dân Việt Nam nhìn quân Nhật hạ bệ Pháp mà ngao ngán cõi lòng cho sự nhược tiểu của mình: trong nhiều thập kỷ, 23 triệu dân bị dưới sự kiểm soát của đám mật thám và vỏn vẹn 65.000 lính, trong số đó mười hai ngàn quân là Âu châu. Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập vào tháng 4 năm 1945. Nhờ các hoạt động tích cực qua các đàm phán thương lượng với chính phủ Trần Trọng Kim, Nhật đồng ý giao trả độc lập và thống nhất đất nước cho Việt Nam. Tuy nhiên, do hỗn loạn chính trị từ Thế chiến thứ hai và các mâu thuẫn nội bộ, chính phủ Trần Trọng Kim giải tán vào đầu tháng 8 năm 1945. Vào giữa tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng minh và Thế chiến thứ hai chấm dứt. Tình hình chính trị Việt Nam trở thành tranh tối tranh sáng, không phân biệt được chính tà. Hồ và các đồng chí chụp cơ hội khoảng trống quyền lực này để cướp chính quyền. Thế là một kẻ vô danh tiểu tốt, chỉ sống cuộc đời bèo dạt mây trôi, cầu bơ cầu bất, dốt nát võ vẽ dăm ba chữ nghĩa cộng sản, thuộc hạng người ăn sung trả ngái, đầu óc ác quán mãn doanh, bịp bợm lừa đảo, lòng dạ đổi trắng thay đen, tay sai của Tàu cộng, trở thành thủ lãnh chính thức của một nhóm người tự xưng là yêu nước. Việt minh thừa nước đục thả câu nổi lên giành quyền thế khi Nhật án binh bất động. Họ đánh trống khua chiêng lợi dụng danh nghĩa Hoa Kỳ như cáo mượn oai hùm để ra vẻ cuộc nổi dậy của họ là danh chánh ngôn thuận với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và đồng minh. Tưởng thật, dân chúng ùn ùn đi theo. Thế là chó ngáp phải ruồi, Việt minh nắm giữ được chính quyền dễ như ăn cháo

Bấy giờ, Hồ quyết tâm theo đuổi tham vọng cầm quyền của mình. Dốt hay nói chữ, Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập với những câu dao to búa lớn mà chính hắn ù ù cạc cạc không hiểu ý nghĩa, như quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, mượn từ bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và cách mạng Pháp. Hắn lại còn thêm mắm thêm muối, hứa hẹn dân Việt Nam “chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp” trong bản tuyên ngôn độc lập. Nhưng hắn chỉ cho ăn bánh vẽ và đã có ý định bán đứng Việt Nam cho Pháp khi Pháp bị Nhật kiểm soát. 

Tháng 11 năm 1945, trong một kế hoạch nham hiểm lừa đảo thiên hạ, Hồ tuyên bố giải tán ĐCSĐD, giấu giếm mối liên hệ với cộng sản để lấy cảm tình những người quốc gia. Thực ra, đảng cộng sản vẫn còn hoạt động, dưới tên Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Người dân Việt Nam lúc bấy giờ tưởng là sẽ thoát được ách đô hộ tàn nhẫn của thực dân Pháp. Nhưng họ đâu ngờ là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Chẳng bao lâu, Hồ lộ ra bản chất phản trắc và nói một đàng làm một nẻo khi hắn ký thoả hiệp cho Pháp trở lại Việt Nam vào năm 1946, với mục đích chính thức hóa trên danh nghĩa chính quyền cộng sản bất hợp pháp của hắn và mượn Pháp để tiêu diệt các thành phần quốc gia đối nghịch. Các cán bộ Việt minh thì cũng cá mè một lứa. Đảng Việt minh của hắn lúc mới thành lập tuy có một thiểu số người trí thức quốc gia bị lừa gạt mà tham gia nhưng đa số là những người dốt có đuôi. Họ thuộc lòng những bài học chính trị rồi miệng nói như vẹt cố thuyết phục dân chúng. Họ nói hươu nói vượn và nói dối như cuội để lường gạt dân. Họ lại còn là những người đầu trộm đuôi cướp, giết người như ngoé và đã thảm sát hằng hà sa số những người quốc gia chân chính. 

Thế rồi chiến tranh giữa Việt minh và Pháp bùng nổ. Hồ và những người ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu chạy trốn Pháp tại những nơi hang cùng ngõ hẻm, thâm sơn cùng cốc trong vùng núi miền Bắc. Trong giai đoạn đầu đánh nhau với Pháp, Hồ viết thư năn nỉ ỉ ôi với Tổng thống Hoa Kỳ Truman xin xỏ viện trợ, lại còn giở giọng bán nước khi ngỏ ý dâng hiến vịnh Cam ranh cho Mỹ khai thác. Hồ hy vọng Hoa Kỳ nhớ lại tình xưa nghĩa cũ lúc hợp tác chống Nhật, nhưng Hoa Kỳ biết tỏng tòng tong hắn là cộng sản nên cứ phớt tỉnh Ăng lê, mặc cho những lời xin xỏ dai như đỉa đói, chẳng thèm đoái hoài gì đến Hồ. Bẽ mặt vì bị Mỹ coi thường, hắn tức tối đầy vơi, chửi Mỹ là đế quốc. May sao cho Hồ, Mao Trạch Đông thắng quân quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch và thành lập Cộng hòa nhân dân Trung hoa vào năm 1949. Năm 1950, Hồ hối hả trèo đèo lội suối, xuống ghềnh lên thác, qua Tàu rồi sang Nga, vào luồn ra cúi với Mao Trạch Đông và mềm lưng uốn gối với Stalin để xin viện trợ. Hắn lại giở trò xin chữ ký của Stalin trên một tạp chí, nhưng lần này âm mưu bị bại lộ. Stalin ký nhưng sai thủ hạ lấy lại tờ báo làm Hồ tẽn tò, bị quê một cục

Về nước, hắn và các đồng chí hô hào dân chúng, kêu gọi lòng yêu nước, và dụ dỗ nông dân theo Việt minh đánh Pháp. Năm 1951, sau khi hội ý với hai thầy Stalin và Mao, Hồ quyết định đổi tên Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác thành Đảng Lao Động Việt Nam (ĐLĐVN). Hắn dùng miệng lưỡi Tô Tần thuyết phục các đồng chí nghe theo lời Stalin và Mao vì hai vị thầy không bao giờ sai và không thầy đố mày làm nên. Thế là Hồ và các đồng chí tung hô vạn tuế hai vị thầy đáng kính Stalin và Mao của họ, và Đảng Lao Động Việt Nam ra đời. Là người thích chơi chữ, Hồ dùng tên Lao Động vì chữ viết tắt của nó, L.Đ., cũng có nghĩa là Lừa Đảo. 

Cuộc cải cách ruộng đất khởi đầu vào năm 1953 cho thấy bản chất lừa đảo của Hồ khi hắn ném đá giấu tay viết báo, dưới bút hiệu C.B., lên án bà Nguyễn Thị Năm rồi sau này lại giả nhân giả nghĩa la mắng thuộc hạ khi bà bị xử tử, trong khi chính hắn là kẻ bịt râu hóa trang đi xem cuộc đấu tố bà Năm. Cuộc cải cách ruộng đất là một thảm họa kinh thiên động địa cho dân miền Bắc và nó cũng cho thấy bộ mặt cùng hung cực ác của ĐLĐVN. Họ giết hơn 170,000 người và tạo ra những cảnh nhà tan cửa nát cho vô số dân vô tội. Dưới sự chỉ đạo của Tàu cộng, chính phủ cộng sản Bắc Việt tàn nhẫn giết hại chính dân mình, lại còn xúi giục dân phạm chuyện đảo lộn luân thường đạo lý, khuyến khích con cái đấu tố cha mẹ, người giúp việc đấu tố chủ nhân. 

Tháng hai năm 1956, tại hội nghị Đảng cộng sản Liên Xô, Khrushchev đọc bài diễn văn long trời lở đất nguyền rủa Stalin, chửi tưới hạt sen sự sùng bái cá nhân, và thúc dục mọi đại biểu thực hành tự phê bình. Diễn văn của Khrushchev làm Hồ chột dạ, mặt xanh như tàu lá, nên vội vàng tuyên bố là Đảng cộng sản Liên Xô quả là có can đảm mới có sự tự phê bình, và các đảng cộng sản khác phải noi theo gương sáng của bậc đàn anh. Hồ lập tức khởi đầu cuộc tự phê bình, thú nhận là cuộc cải cách ruộng đất có nhiều sai lầm. Để biểu lộ lòng ân hận của mình, hắn cố rỏ những giọt nước mắt cá sấu khóc lóc như mèo già khóc chuột khi đọc diễn văn nhận lỗi là đã giết oan biết bao nhiêu người. Nhưng vì tài đóng kịch kém cỏi, hắn cố khóc nhưng cặp mắt ráo hoảnh. Đến giờ phút này, nhiều người vẫn tưởng Hồ biết ăn năn sám hối mà nhận lỗi chứ đâu có biết là Hồ và đảng cộng sản làm vậy để theo ý Liên Xô.

Năm 1954, Việt minh, với sự giúp đỡ quân sự và cố vấn của Tàu cộng và lừa đảo nông dân phu với hứa hẹn hão cho ruộng đất, huy động nhân lực đông như kiến cỏ, vây quanh Điện Biên Phủ. Sau 55 ngày, Điện Biên Phủ thất thủ. Một lần nữa, ĐLĐVN vỗ ngực huênh hoang giành công cho cuộc chiến thắng trong khi đó là cuộc chiến của những người Việt Nam đánh Pháp vì tinh thần dân tộc bỏ qua những hiềm khích hoặc vì bị lừa đảo bởi các hứa hẹn hão chứ không hề vì chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1954, hiệp định Geneva phân chia nước Việt Nam thành hai miền: miền Bắc theo chế độ cộng sản và miền Nam theo chế độ cộng hòa. Nạn nọ chưa qua nạn kia đã tới, dân Việt Nam lại chịu thêm cảnh chiến tranh Nam Bắc. Dân miền Bắc đói khát liên miên, rách như tổ đỉa. Dân miền Nam chỉ muốn sống yên ổn thanh bình. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, Hồ và các đồng chí muốn thôn tính miền Nam. Họ tạo dựng Mặt trận giải phóng miền Nam và xua quân vào miền Nam. Họ dùng chiêu bài giải phóng miền Nam để dương Đông kích Tây, đánh lạc hướng dân miền Bắc để người dân không để ý đến các vấn đề nội bộ về kinh tế và xã hội. Hoa Kỳ nhảy vào cuộc chiến, một công hai việc, vừa chống cộng sản lan tràn vừa dùng miền Nam Việt Nam là nơi thí nghiệm chiến tranh lạnh và làm giàu các tay buôn vũ khí quân sự. Bắc Việt khôn ngoan áp dụng chiến thuật một nồi hai vung, bợ đít cả hai quan thầy Liên Xô và Tàu cộng, nhận viện trợ về kinh tế lẫn quân sự, cho lính Tàu cộng qua Việt Nam, rước voi giày mả tổ. Dân Việt Nam bị rơi vào tình trạng chiến tranh huynh đệ tương tàn, ủy nhiệm bởi ba siêu cường quân sự. Đầu dây mối nhợ là chính quyền Bắc Việt chủ trương xâm lăng miền Nam.

Hồ bổn cũ sào lại tước đoạt quyền tác giả của quyển Nhật ký Trong Tù. Hắn lại còn trơ trẽn viết hai bản tự truyện mèo khen mèo dài đuôi ca ngợi chính mình. Sự đạo văn tột độ của hắn với Thỉnh nguyện, Bản án, và Nhật ký cho thấy rõ phẩm cách đá cá lăn dưa của hắn. Hồ thích mập mờ đánh lận con đen khi bị hỏi thẳng. Hắn không bao giở khẳng định rõ rệt chuyện gì về bản thân mình. Ngay cả khi có người hỏi hắn có phải là Nguyễn Ái Quốc không thì hắn lại nói, "Chú tìm ông ấy mà hỏi, tôi đâu biết." Mặc dù lúc đó là năm 1946, khi mà an ninh không còn là vấn đề. Hồ không bao giờ khẳng định mình là tác giả của Nhật Ký Trong Tù, nhưng khi có người hỏi là tại sao ngày tháng ghi trên trang bìa cuốn Nhật Ký Trong Tù lại sai trệch đi đúng mười năm, thì hắn trả lời là hắn muốn đánh lạc hướng thiên hạ.

Đã thế, hắn lại còn lên mặt đạo đức giả miệng nam mô, bụng bồ dao găm, khuyên răn dân chúng và cán bộ theo đuổi cần, kiệm, liêm, chính. Lẽ ra mọi chuyện khẩu Phật tâm xà của hắn cũng được bưng bít, nhưng thiên bất dung gian, chính những tài liệu bôi râu đánh phấn hắn của hắn và đảng cộng sản Việt Nam sau này lại lạy ông tôi ở bụi này, chẳng ai khảo mà xưng. Đa số những vụ lừa đảo của Hồ bị khám phá vì không có dối trá nào mà không bị vạch ra mãi mãi. Như một con chồn vụng về, Hồ giấu đầu lòi đuôi.

Hồ là người ba phải, không hề có một chính kiến gì rõ rệt. Mọi chuyện quan trọng đều tùy cơ ứng biến hoặc tới đâu hay tới đó. Ai cho tiền thì chạy theo, chẳng biết ất giáp gì. Vì vậy, khi Liên Xô và Tàu cộng muốn bành trướng ảnh hưởng trên thế giới, hắn và các đồng chí chỉ biết ôm chân liếm gót hai quan thầy Liên Xô và Tàu cộng và biến Bắc Việt thành một chư hầu cộng sản. Chính phủ hắn đã ghi lòng tạc dạ Tàu cộng trong cuộc chiến tranh với Pháp và chiến tranh với Hoa Kỳ. Chính hắn và các đồng chí tỏ bày lòng trung thành với người bạn môi hở răng lạnh Tàu cộng của họ khi năm 1958 Phạm Văn Đồng viết công hàm cho Chu Ân Lai mại quốc cầu vinh đồng ý sự xác nhận chủ quyền của Tàu cộng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau này, Liên Xô và Tàu cộng như hàng tôm nguýt hàng cá xung đột nhau, tranh giành ảnh hưởng trên Bắc Việt. Nhờ cảnh ngao cò tranh đấu, ngư ông đắc lợi, cộng sản Bắc Việt nhận được viện trợ cả hai bên. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính trị Bắc Việt ổn định. ĐLĐVN có sự chia rẽ trầm trọng giữa hai phe thân Nga và thân Tàu. Hai phe vào lườm ra nguýt, tranh giành quyền thế. Cuối cùng thì phe Lê Duẩn thắng thế, đưa Lê Duẩn lên đỉnh cao danh vọng, trong khi Hồ chỉ là người bù nhìn. Thực ra, Hồ và ĐLĐVN có sự thỏa thuận. Hồ bề ngoài vẫn giữ quyền trong khi ĐLĐVN tạo ra hình ảnh hắn thánh thiện bịp bợm dân để họ dựa vào đó mà tung hoành ngang dọc. Cảnh vụng chèo khéo chống được hỗ trợ bằng đủ loại lừa đảo bịp bợm, tăng cường bởi chính sách mị dân, bảo vệ bởi sự đàn áp tàn bạo của chế độ độc đảng.

Trong khoảng mười năm đầu tiên của nền cộng hòa, tình trạng trong miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), cũng chẳng hay ho gì. Trong mấy năm cuối của thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, miền Nam nếm mùi dân chủ lần đầu nên mới lẫm chẫm biết đi. Ông Ngô Đình Diệm là người thanh liêm, quốc gia chân chính và chống cộng tích cực nhưng lại độc tài. Trong vài năm đầu cầm quyền, ông tỏ ra là một người tài cao đức trọng, thiết tha cho việc xây dựng một quốc gia Việt Nam hùng mạnh, nhưng ông cũng có một vài khuyết điểm rất giống Hồ Chí Minh, tuy không đến nỗi tệ mạt như Hồ. Về phương diện chính trị, ông Diệm thích sùng bái cá nhân. Đài phát thanh trong nước lúc nào cũng rỉ rả bài hát "Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống, Ngô Tổng Thống Ngô Tổng Thống muôn năm." Ông Diệm cũng dùng những mánh lới chính trị trong cuộc trưng cầu dân ý truất phế vua Bảo Đại, sử dụng những thủ thuật bầu cử khả nghi, và tạo dựng một quốc hội bù nhìn. Nhưng khác với Hồ Chí Minh, ông Diệm là người trí thức, học cao, liêm chính, ngoan đạo, ăn ngay nói thẳng, không bị Mỹ khuất phục và quả thật là người không vợ không con. Tiếc là những ưu điểm của ông bị lu mờ bởi tinh thần chống cộng quá khích và gia đình trị đã khiến những năm ông cầm quyền phạm nhiều lỗi lầm nghiêm trọng. Chính quyền ông Diệm thành công trong việc tiêu diệt gần hết quân cộng sản ở lại miền Nam sau năm 1954. Nhưng ông cũng tiêu diệt một số những người không thân cộng, và vì vậy khiến những người không thân cộng chẳng đặng đừng phải theo phe cộng sản. Ngoài ra, lợi dụng thể chế tự do dân chủ, nhiều cán bộ cộng sản len lỏi vào hàng ngũ chính quyền, tôn giáo, và trí thức, kích động tôn giáo và sinh viên học sinh. Thay vì đối phó mềm mỏng với các phe phái này, chính quyền ông Diệm dùng nhiều biện pháp cứng rắn. Ông Nhu, em ông Diệm, chuyên quyền đàn áp Phật giáo và các phe chống đối, tạo ra bất mãn. Ông Nhu là người thông minh, nhưng có nhiều thủ đoạn và mưu mẹo chính trị, nên nhiều khi già quá hóa non. Ông Nhu còn tổ chức buôn gian bán lận, chuyên chở thuốc phiện và dung túng đàn em. Bè lũ ông thì tham nhũng, ăn cắp như ranh. Mỹ biết ông Diệm biết lo cho tổ quốc nhưng chẳng ưa gì ông Nhu, nhưng không biết làm sao vì hai anh em như hình với bóng. Hơn nữa, hai anh em ông Diệm Nhu có ý tưởng không lệ thuộc Mỹ và không muốn Mỹ dính líu nhiều vào nội bộ Việt Nam. 

Năm 1963, hai anh em Diệm và Nhu bị giết chết trong một cuộc đảo chánh được Mỹ hỗ trợ. Sau đó, miền Nam lại rơi vào rối loạn chính trị. Giới lãnh đạo miền Nam có khuynh hướng chia rẽ, chia bè lập phái, hết đảo chánh này sang đảo chánh nọ. Cục diện chính trị tại miền Nam như một màn kịch cải lương, tướng lãnh tranh ngôi đoạt vị ra vô cầm quyền Sài gòn như chỗ không người, khiến cho Mỹ điên đầu, không biết đâu mà mò. Mỹ có ưu tiên là cản mức bành trướng của cộng sản, và họ hy vọng thể chế dân chủ ở miền Nam giúp việc đó. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ bị ảnh hưởng bởi đám diều hâu thích có chiến tranh để có dịp làm giàu cho hệ thống thương mại kỹ nghệ quân sự chế tạo súng ống, máy bay, xe tăng. 

Thế là Mỹ đổ tiền viện trợ kinh tế quân sự vào Việt Nam, nhắm mắt làm ngơ những chuyện tham nhũng, ăn cắp của cả người Mỹ lẫn Việt. Sau cùng, tình trạng ổn định hơn và ông Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống năm 1967. Tuy nhiên, khi tiền Mỹ đổ vào càng nhiều, cấp lãnh đạo miền Nam bị hư hại bởi tệ trạng tham nhũng, mua quan bán tước. Công việc địa vị béo bở thì để cho người quen kẻ thuộc, bạn bè hay họ hàng thân quyến. Tiền và vật liệu viện trợ của Mỹ thì bị ăn bớt ăn xén. Thiệu là một người chống cộng tích cực. Một trong những câu nói bất hủ của Thiệu là, "Đừng nghe những gì cộng sản nói. mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm." Nhưng ông lại là người tham quyền cố vị, có tính đa nghi, chỉ tin dùng những tướng lãnh thân cận. Tệ hơn nữa, ông để bè lũ lạm dụng quyền thế, buôn bán trục lợi. Cũng may là có nhiều tướng lãnh liêm khiết và tinh thần chiến đấu chống cộng của binh sĩ cao. Dân miền Nam có một phần tự do, không bị chính quyền bóp hầu bóp cổ. Đảng phái tự do hoạt động, xuống đường biểu tình chống đối chính quyền liên miên. Chính nhờ chính sách và tinh thần tự do dân chủ của miền Nam mà cộng sản Bắc Việt có thể cho người của họ xâm nhập vào hàng ngũ chống cộng miền Nam, kể cả chính quyền, quân đội, báo chí, tôn giáo, và ngay cả sinh viên học sinh, tạo thành một đám ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Ngoài những thủ đoạn rối loạn dân cho lợi thế chính trị, cán bộ cộng sản thực hiện nhiều công tác gián điệp bí mật tàn bạo, ám sát hàng ngàn viên chức chính quyền và dân vô tội.

Trận chiến tại miền Nam càng ngày càng tàn khốc. Người dân miền Nam chạy trốn cộng sản, tất tả ngược xuôi. Trong cảnh trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết, những người dân vô tội bị cộng sản bắn giết bừa bãi. Trong những vùng đồng quê xa thành phố người dân miền Nam chỉ muốn sống yên thân nhưng lũ cộng sản trà trộn với dân làng, dùng họ làm bia đỡ đạn, lại còn ép buộc tham gia cái cách mạng rởm. Tuy người dân miền Nam muốn tránh né cộng sản như tránh cùi hủi, họ không thể bỏ nhà và làng xã họ; vì vậy dân bị trong cảnh trên đe dưới búa, tránh hùm mắc hổ. Ban ngày thì phải đối phó với lính VNCH hoạnh họe, ban đêm thì bị kéo đi hội họp nghe tuyên truyền của cán bộ Việt cộng. 

Lũ cộng sản lại còn cố tình tạo ra nhầm lẫn cho lính Mỹ bằng cách giả dân phục kích bắn tỉa khiến lính Mỹ hoang mang không phân biệt ai là bạn ai là thù. Đa số lính Mỹ có tôn ti trật tự, tôn trọng mạng dân, lo cho thường dân, nhất là người già, đàn bà, và trẻ em. Lính Mỹ mang người già, đàn bà trẻ em, và ngay cả lính cộng sàn bị thương ra khỏi hiểm nguy trong lúc và sau khi đánh trận. Họ cung cấp săn sóc y tế cho nông dân trong các vùng quê xa xôi, chăm lo những người bị thương, và bảo đảm an toàn cho thường dân. Còn có người hy sinh tính mạng để cứu dân Việt. Tuy nhiên, vẫn có thiểu số là phường thất học, coi dân Việt như cỏ rác. Khi đồng đội thương vong vì bị bắn tỉa hoặc dẵm mìn gài bởi Việt cộng, lũ vô lại Mỹ này lên cơn điên dại bắn bừa bắn bãi vào đàn bà và trẻ em, đốt nhà đốt cửa, rải mưa bom bão đạn lên đầu dân khiến cho dân căm phẫn Mỹ. Trong vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968, có cả hàng trăm dân kể cả đàn bà con nít bị bắn chết. Nhưng những vụ này không thấm vào đâu so với tội ác chiến tranh của lũ cộng sản Việt Nam. Cái đáng nói hơn hết là lũ cộng sản giết hại chính người dân của họ, mà sau này lại còn chối đây đẩy. Dân miền Bắc cũng bị thương vong vì tai họa phụ do bom Mỹ. Chính phủ Bắc Việt lợi dụng những tai họa phụ này để lên án Mỹ, làm gia tăng sự căm thù Mỹ trong đầu óc người dân Bắc Việt.

Năm 1968, bất kể ngày Tết thiêng liêng, cộng sản Bắc Việt tổng công kích toàn thể miền Nam, nhưng bị phản công dữ dội bởi Quân Lực VNCH và Hoa Kỳ. Quân cộng sản bị quét sạch bò lê bò càng khiến chúng kinh hồn bạt vía, chạy trốn chui trốn nhủi. Tuy nhiên, trước khi bị quét ra khỏi Huế, quân cộng sản thực hiện cái gọi là bạo động cách mạng bằng thảm sát hàng ngàn người dân tại Huế, trẻ không tha già không thương. Cái mà lũ cộng sản gây cho dân Huế làm ai cũng rùng mình rởn gáy. Dân chết như rạ, bị bắn, đập đến chết, và bị chôn sống tập thể. Thành phố Huế phủ ngập màu trắng khăn tang trên đầu những người vợ khóc chồng, con khóc cha.

Là người xưng không có vợ con, Hồ không hiểu được cái đau đớn của dân Huế. Nhưng hắn hiểu cái chết là gì. Khi hắn gần kề miệng lỗ, hắn viết chúc thư, sau này sửa đổi nhiều lần. Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Hồ an giấc ngàn thu. Có những bí mật về hắn thì hắn sống để dạ, chết mang đi. Trong chúc thư với chữ như gà bới đầy lỗi chính tả, hắn mong mỏi được gặp hai thần tượng là Karl Marx và Vladimir Lenin. Nếu hắn được gặp họ thì hắn cũng ngậm cười nơi chín suối. Hắn còn dặn dò mọi người là tiếp tục kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tiêu diệt ngụy quyền Sài gòn.

Chẳng cần Hồ dặn dò, Hoa Kỳ đang chán ngấy về cuộc chiến. Niềm tin của dân Hoa Kỳ bị suy thoái bởi sự bi quan biểu lộ qua truyền hình và báo chí, cộng thêm với sự gia tăng hoạt động của phong trào phản chiến. Tổng thống Nixon muốn có hòa bình trong danh dự. Ông phái quân sư quạt mo Kissinger đi đêm với Bắc Việt nhưng Bắc Việt muốn kéo dài cuộc chiến nên cà kê dê ngỗng về chuyện đàm phán hòa bình. Đám ngoại giao Bắc Việt cứ đủng đà đủng đỉnh trì hoãn mọi chuyện. Ngay cả chuyện hình dạng bàn họp cũng kéo dài đến cả mấy tháng chưa xong. Trong khi chính họ là những kẻ cướp đoạt chính quyền bất hợp pháp, cộng sản Bắc Việt mồm năm miệng mười không chịu công nhận chính quyền Sài gòn. Đã thế, Bắc Việt lại còn lôi kéo Mặt trận giải phóng miền Nam, một lực lượng cộng sản do chính họ tạo dựng, vào cuộc họp như là một phe độc lập. Nhưng những nhà ngoại giao cộng sản Bắc Việt chỉ múa rìu qua mắt thợ với cặp bài trùng Nixon và Kissinger. Hoa Kỳ muốn ngồi xích lại với Nga và Tàu, nói chuyện thẳng với quan thầy của cộng sản Bắc Việt, mặc cho Bắc Việt khua môi múa mép

Khi cuộc họp bắt đầu thì cộng sản Bắc Việt thuyết phục Tàu cộng cho phép họ sử dụng chiến thuật vừa đánh vừa đàm. Họ cố tìm một chiến thắng quân sự để gây áp lực cho cuộc đàm phán. Tàu cộng không thích ý đó, nhưng trước sự Bắc Việt nài nỉ, họ đồng ý. Đám lãnh đạo Bắc Việt bèn tiến hành kế hoạch thua keo này bày keo khác, hăm hăm hở hở tưởng là có thể tái diễn trò Điện Biên Phủ. Vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, cộng sản Bắc Việt tung ra một đợt tấn công khốc liệt vào miền Nam. Họ lại một lần nữa thảm bại ê chề, bị đánh tan không còn mảnh giáp. Nhưng họ không quên pháo kích giết chết gần hai ngàn người dân vô tội trên Đại Lộ Kinh Hoàng tại Quảng Trị, phạm thêm một tội ác trời không dung đất không tha. Không có được một chiến thắng quân sự nhưng cộng sản Bắc Việt vẫn đú đa đú đởn với chuyện đàm phán, không màng đến dân. Nhưng vỏ quýt dầy gặp móng tay nhọn, Nixon nộ khí xung thiên ra lệnh thả bom khốc liệt vào tháng 12 năm 1972. Đám lãnh đạo cộng sản Bắc Việt sợ té đái vãi cứt, mặt cắt không còn hột máu, tưởng là tên điên Nixon thả bom để tiêu diệt chính họ. Thế là họ thúc dục đám ngoại giao ba chân bốn cẳng, chạy bở hơi tai về bàn đàm phán. Trong những ngày cuối của cuộc đàm phán, hòa bình đâu chẳng thấy trên miền Nam, mà lại còn giao tranh dữ dội hơn. Hai bên lo tranh bờ lấn cõi, chiếm đất chuẩn bị cho ranh giới quy định bởi hiệp định. Hiệp định Paris được ký vào tháng giêng năm 1973.

Ngay sau khi ký xong hiệp định, Bắc Việt đã chờ gió bẻ măng nên bắt đầu cuộc thôn tính miền Nam. Với thủ đoạn vừa đánh trống vừa ăn cướp, họ tuyên bố Hoa Kỳ và miền Nam vi phạm hiệp định Paris trong khi chính họ gửi cả trăm ngàn binh sĩ vào Nam. Trước hiểm họa cộng sản xâm lăng, Sài gòn hy vọng Nixon giữ lời hứa trừng phạt Bắc Việt. Nhưng họa vô đơn chí, miền Nam lại bị xui xẻo thêm lần nữa. Vụ Watergate khiến Nixon phải từ chức, thân bại danh liệt, chẳng còn thế lực gì để giúp Sài gòn. Đầu năm 1974, Tàu cộng, dưới sự đồng ý ngầm của Mỹ, tấn công một phần quần đảo Hoàng Sa trấn giữ bởi Hải quân VNCH. Sau một trận đánh đẫm máu, Tàu cộng chiếm được Hoàng Sa. VNCH phản đối kịch liệt cuộc xâm lăng này, nhưng cộng sản Bắc Việt miệng câm như hến. Thấy Hoa Kỳ không can thiệp vụ Hoàng Sa, cộng sản Bắc Việt chụp lấy cơ hội ngàn năm một thuở, mở màn chiến dịch xâm lược. Vào lúc này, Hoa Kỳ đã quyết định hy sinh miền Nam Việt Nam vì phong trào phản chiến trong nước và chính sách ngoại giao. Sau trận đánh Phước Long vào đầu năm 1975 để dọ dẫm phản ứng Hoa Kỳ, Bắc Việt mừng rỡ khi thấy Hoa Kỳ điềm nhiên tọa thị. Thế là bộ chính trị cộng sản Bắc Việt ra lệnh tung toàn bộ lực lượng quân sự vào mùa xuân năm 1975 tấn công miền Nam. 

Trước sự chống đối của Quốc hội ảnh hưởng bởi phong trào phản chiến, Hoa Kỳ chỉ biết ngồi trơ mắt ếch, nhìn miền Nam Việt Nam bị ăn tươi nuốt sống bởi quân Bắc Việt với xe tăng đại bác Nga Tàu. Tổng thống miền Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu, trước sự Hoa Kỳ im hơi lặng tiếng, biết mình đã bị lừa. Trong tình trạng khẩn cấp của mặt trận cao nguyên và quân khu I, ông làm nhiều quyết định mà ông sẽ ân hận ngàn đời. Quan trọng nhất là quyết định di tản chiến thuật, ra lệnh quân VNCH rút lui, cho quân cộng sản chiếm các tỉnh cao nguyên và quân khu I, với ý định tập trung vào việc phòng thủ một lãnh thổ nhỏ hơn cho có hiệu quả hơn. 

Tiếc thay, sai một ly đi một dặm. quyết định vội vã đó tạo ra những hậu quả tâm lý và chiến thuật tác hại. Binh sĩ và nhiều cấp chỉ huy tin rằng chuyện di tản chiến thuật là bước đầu của sự xụp đổ miền Nam, nhất là khi thấy Hoa Kỳ không phản ứng gì. Cộng thêm vào đó là sự thiếu thốn đạn dược và vật liệu đã làm nao núng tinh thần chiến đấu. Đã thế, Thiệu còn thay đổi ý kiến vào phút chót khi một số đơn vị đã thi hành lệnh di tản. Các tướng lãnh VNCH vò đầu bức tai, dậm đất kêu trời. Dân tị nạn còn ùn ùn tay bồng tay dắt chạy theo binh sĩ rút lui vì kinh cung chi điểu khi ký ức về thảm sát Tết Mậu Thân vẫn còn, càng làm quân đội VNCH vướng chân vướng cẳng, vừa lo bảo vệ dân, vừa chống trả quân địch, vừa rút lui trong cùng một lúc. Những thành phần cộng sản nằm vùng báo cáo tin tức tình báo cho quân xâm lăng và tung ra những tin đồn thất thiệt, càng làm tình trạng thêm phần tồi tệ. Toàn bộ trở nên một cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Nhiều thành phần hèn nhát trong quân đội VNCH vừa nghe tin đồn xe tăng địch lăn vào thành phố là rụng rời tay chân, bỏ súng chạy bán sống bán chết, vắt giò lên cổ. 

Quân cộng sản reo hò mừng rỡ, chiếm các tỉnh ở quân khu I mà không tốn một viên đạn. Tưởng bở, cấp lãnh đạo Bắc Việt ra lệnh tiến quân vào Sài gòn với xe tăng bộ đội giữa thanh thiên bạch nhật. Trong cảnh hầu như tuyệt vọng đó, quân lực VNCH vùng lên, thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, chặn đứng sức tiến quân cộng sản tại Xuân Lộc. Còn nước còn tát, sáu ngàn người lính VNCH kề vai sát cánh chống lại bốn mươi ngàn quân Bắc Việt, trùng trùng điệp điệp bao vây Xuân Lộc với xe tăng và chiến thuật tiền pháo hậu xung, trong một trận hào hùng nhất của chiến tranh Việt Nam. Tuy mãnh hổ nan địch quần hồ, quân lực VNCH tại trận Xuân Lộc thề một mất một còn với cộng sản và đã ghi lại một trang sử oai hùng và dậy cộng sản một bài học vô giá: người Việt đừng bao giờ coi thường người Việt. Chiếm không được Xuân Lộc lại bị thiệt hại quá nặng nề, quân cộng sản bỏ mục tiêu và đi luồn qua đường khác tiến tới Sài gòn. Những người hùng Xuân Lộc rút về Sài gòn để bảo vệ. Nhưng đã quá trễ vì cái sảy nảy cái ung. Thiệu từ chức và bay qua Đài Loan không kèn không trống, để lại các tướng lãnh ngơ ngác. 

Số trời đã định, Dương Văn Minh kế nhiệm Thiệu ra lệnh quân lực VNCH đầu hàng vô điều kiện. Mặc dù tình thế tuyệt vọng nhưng lệnh Minh bắt đầu hàng như sét đánh ngang tai cho miền Nam Việt Nam. Những cấp chỉ huy quân lực VNCH đấm ngực than trời nhưng đa số phải tuân theo lệnh. Năm vị tướng VNCH tự tử, không muốn nhìn hình ảnh ác quỷ của lá cờ cộng sản bay trên miền Nam, trong tinh thần thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc của Trần Bình Trọng, một vị tướng nhà Trần vào thế kỷ thứ 13. Biết bao nhiêu binh sĩ và sĩ quan theo gót họ hoặc tuy sa cơ thất thế nhưng vẫn chiến đấu tới viên đạn cuối cùng tận trung báo quốc, thà chết vinh hơn sống nhục. Những người vị quốc vong thân tuy chết, nhưng anh hùng tử, khí hùng bất tử. Cái chết của họ sẽ được sử sách ghi nhận là bằng chứng cho tinh thần bất khuất của dân Việt. Nhiều chiến sĩ không đầu hàng nhưng sức cùng lực kiệt, anh hùng mạt lộ và bị bắt sống như hùm thiêng sa lưới. Thế rồi, như rắn mất đầu, Sài Gòn bị thất thủ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sau 20 năm trời chinh chiến nồi da xáo thịt, Việt Nam được thống nhất với một giá rất đắt với hơn ba triệu người Việt Nam bỏ mình. Trong những ngày cuối cùng cuộc chiến, hơn 130.000 người sống ở miền Nam bỏ của chạy lấy người, được di tản sang Hoa Kỳ. Họ là những người thuộc đợt dân tị nạn cộng sản đầu tiên, sau này trở thành những người Việt hải ngoại chống cộng tích cực nhất. 

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, mèo mù vớ cá rán, chính quyền cộng sản Bắc Việt hí ha hí hửng chiếm đóng miền Nam. Như chuột sa chĩnh gạo, họ thu thập được cả chì lẫn chài vô số quân cụ, vũ khí, máy bay, xe tăng, tàu bè, súng ống, đạn dược, và mọi thứ quân nhu vật liệu Hoa Kỳ để lại. Ngoài ra họ thừa hưởng biết bao nhiêu tài sản của chính phủ VNCH và dân chúng miền Nam đã chạy thoát. Những người cộng sản từ Bắc vào Nam còn thất đảm kinh hồn khi thấy mức sống thịnh vượng của miền Nam, một trời một vực so với miền Bắc khác hẳn những gì họ nghe chính phủ Bắc Việt tuyên truyền. Thật là tréo cẳng ngỗng khi một nước nghèo túng đem quân tấn công một nước thịnh vượng đang yên ổn không hề gây hấn gì đến họ. Cộng sản Bắc Việt gọi đó là "giải phóng," nhưng từ điển khắp nơi định nghĩa hành động đó là "đánh cướp." Đoàn quân cướp nước mắt trắng môi thâm, lếch tha lếch thếch đi vào Sài gòn ngơ ngác như vạc đui trước sự văn minh tân tiến của hòn ngọc Viễn Đông. Các cán bộ cộng sản loé mắt trước những hàng hóa, đồ đạc tân kỳ trong miền Nam. Như mèo thấy mỡ, họ mặt dày mặt dạn, tham con giếc, tiếc con rô vơ vét tài sản, đồ đạc bỏ lại bởi những người đã thoát khỏi nước. Có những cảnh cười ra nước mắt khi các cán bộ Bắc Việt hì hà hì hục khệ nệ vác những đồ dùng thông thường ở miền Nam để mang ra Bắc coi như là quý giá lắm. 

Dương dương tự đắc, kẻ chiến thắng tác oai tác quái, giở trò được làm vua thua làm giặc. Nhưng kẻ thua đã đầu hàng, mà vua đâu không thấy, chỉ thấy một lũ mặt người lòng thú, hành quyết hơn 65.000 người. Sau đó, họ kêu gọi binh lính sĩ quan và viên chức thuộc chính thể VNCH ra trình diện, hứa hẹn là chỉ đi học tập trong bốn năm tuần. Hàng trăm ngàn người thuộc chính thể VNCH tin vào lời hứa hẹn đó, quên câu “nói láo như vẹm,” và hoan hỉ ra trình diện vì nghĩ rằng không lẽ kẻ chiến thắng lại đi nói láo với người đã đầu hàng. Họ không ngờ những người cộng sản là những người có lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, ăn nói tráo trở, đi dối cha, về nhà dối chú. Ba mươi ngày học tập hứa hẹn biến thành vào trại cải tạo ba năm, mười năm, và với các sĩ quan cao cấp, còn lên tới mười bảy, mười tám năm. Họ bị tống đến những nơi đèo heo hút gió, rừng sâu núi thẳm, hoặc những vùng lam sơn chướng khí, ma thiêng nước độc. Không những thế, những tù nhân sa cơ lỡ vận còn bị đối xử một cách cạn tàu ráo máng, làm lụng cực khổ, thiếu ăn thiếu ngủ, thiếu thuốc men và săn sóc y tế, bị khủng bố tinh thần và vật chất. Hàng chục ngàn người tan xương nát thịt trong các trại tù vì bệnh hoạn, đói khát, bị đánh đập dã man, và hành quyết. Chính quyền cộng sản còn hà hiếp, làm tình làm tội gia đình những người đi học tập. Họ bới lông tìm vết, ngăn cấm vợ con họ hàng những người này tiến thân trong xã hội. Biết bao gia đình bị tan hoang vì sẩy đàn tai nghé. Không những đối xử tàn nhẫn với những người thuộc chế độ cũ, đám lãnh đạo Bắc Việt còn vắt chanh bỏ vỏ, ngược đãi những người trong chính phủ lâm thời của mặt trận giải phóng miền Nam. Họ thuộc loài vong ơn bội nghĩa, đánh trống bỏ dùi, xong chay quẳng thầy xuống ao, không đếm xỉa gì đến những người đã giúp họ chinh phục miền Nam, cho dù chuyện giúp đỡ đó là để thực hiện một mục tiêu bất nhân bất nghĩa.

Năm 1976, ĐLĐVN được đổi tên thành Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Sau suốt 46 năm trời che đậy, ĐCSVN sau cùng chính thức xuất đầu lộ diện. Đất nước Việt Nam tuy không còn cảnh binh đao khói lửa nhưng bị thảm họa tàn khốc gấp ngàn lần: thảm họa quỷ đỏ khiến người dân chết lần chết mòn, sống đọa thác đầy năm này qua năm khác. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, trong cơn điên cuồng thác loạn, như điên như dại, lũ cộng sản Việt Nam đổi tên Sài gòn bằng một tên ô nhục. Buồn thay, Sài gòn, hòn ngọc Viễn Đông ngày nào, như một thiếu nữ đoan trang thùy mị, má đào mày liễu với nhan sắc chim sa cá lặn, nét đẹp sắc nước hương trời, dáng dấp hoa nhường nguyệt thẹn, nụ cười khuynh quốc khuynh thành bị lũ quỷ đỏ xo vai rụt cổ, mặt bủng da chì nhẫn tâm giập liễu vùi hoa, trở thành hoa tàn nhị rữa, ủ liễu phai đào

Chính quyền cộng sản quay sang ức hiếp dân miền Nam kể cả người Việt gốc Hoa bằng đủ mọi thủ đoạn ác độc như tịch thu tài sản, hàng hóa, giới hạn tiền lưu trữ trong ngân hàng. Họ đốt sách chôn nho, coi thường khinh rẻ những người trí thức thuộc chế độ cũ. Họ đem con bỏ chợ, tống khứ dân từ các vùng đồng bằng, thành phố đến các vùng nông thôn đồng không mông quạnh, đồi núi, biên giới xa xôi khỉ ho cò gáy mà họ gọi là vùng kinh tế mới. Người miền Nam vốn có tính dễ chịu và thái độ vô tư. Họ ưa chuộng tự do và ghét giả dối. Nhưng ghét của nào trời trao của ấy. Trong suốt mấy năm sau năm 1975, chính quyền cộng sản làm mưa làm gió. Đám cán bộ cao cấp ngông nghêng tự mãn ăn tục nói phét. Đám cán bộ con thì theo đóm ăn tàn, bắt tội bắt vạ hà hiếp dân lành. Từ trên xuống dưới, người cộng sản ỷ thế hiếp cô, quen thói ăn ngược nói xuôi, nhũng nhiễu dân lành. Biết là dân miền Nam ưa chuộng tự do, nhưng chính quyền cộng sản vẫn đàn áp, mong là trước lạ sau quen. Nhưng chẳng ai có thể quen nổi chế độ cộng sản. Sự đối xử tàn nhẫn của chính quyền cộng sản với chính dân họ tạo sự căm phẫn trong dân gian. Người dân miền Nam bấy giờ nằm trong chăn mới biết chăn có rệp. Ai cũng bầm gan tím ruột, nhưng chỉ biết ngậm cay nuốt đắng

Nhưng rồi, chịu không nổi cảnh chim lồng cá chậu, nhiều người tìm cách vượt biên, đứt gan đứt ruột quệt nước mắt bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đi tìm tự do. Hơn một triệu người rời quê cha đất tổ bằng đường biển và đất liền. Khoảng tám trăm ngàn thuyền nhân cuối cùng định cư tại những nơi đất lành chim đậu trên các quốc gia tự do. Khoảng năm trăm ngàn người vùi thây chết tức tưởi trong biển cả vì hải tặc, hết lương thực, và phong ba bão táp. Cuộc di dân vĩ đại trong thời bình này thật là vô tiền khoáng hậu. Nhưng cái đáng nói hơn là lòng can đảm vô bờ của những thuyền nhân nam phụ lão ấu đã quyết định dấn thân ra đi một đi không trở lại trong nguy hiểm ngặt nghèo thập tử nhất sinh với cái chết trong đường tơ kẽ tóc. Dù sống hay chết trên đường đi, họ là những chiến sĩ cho tự do biểu hiện tinh thần bất khuất của nòi giống Lạc Hồng.

Chính quyền cộng sản say sưa điên cuồng trong chiến thắng, như ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung, tưởng mình đã thành ba đầu sáu tay, nên họ nhơn nhơn tự đắc. Bấy giờ họ không cần đến quan thầy Tàu cộng của họ nữa, nghĩ rằng họ là những người bách chiến bách thắng, và chỉ muốn xưng hùng xưng bá, dùng lực lượng quân sự sẵn có và chiến lợi phẩm thu thập của miền Nam để gây thù chuốc oán với các nước láng giềng. Lòng tham không đáy, họ thừa thắng xông lên, đem quân xâm lấn Kampuchea, một lâu la của Tàu cộng bấy giờ. Tàu cộng đã tức tối vì Việt Nam đối xử tàn nhẫn với người Việt gốc Hoa. Sự chiếm đóng Kampuchea như chế dầu vào lửa. Tàu cộng thù Việt Nam là kẻ ăn cháo đái bát, đã không đội ơn họ qua sự giúp đỡ thời chiến tranh với Pháp và suốt hai chục năm chiến tranh với miền Nam và Hoa Kỳ, mà lại còn ngông cuồng khiêu khích họ, lộ rõ bản chất qua cầu rút ván. Lúc trước khi cần giúp đỡ quân sự và kinh tế thì làm nũng làm nịu, vòi vĩnh đủ điều. Bây giờ thì thay thầy đổi chủ, ỷ có Liên Xô hỗ trợ nên thay lòng đổi dạ. Thế là Tàu cộng quyết định dạy Việt Nam một bài học. Đầu năm 1979, chiến tranh giữa Việt Nam và Tàu cộng bùng lên ngắn ngủi. Kẻ tám lạng người nửa cân, hai bên quần thảo đánh nhau trong một tháng, thật là kỳ phùng địch thủ. Kết quả cuộc chiến bất phân thắng bại nhưng tạo tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Như hai đứa bé, hai bên rối rít tít mù cả lên, rốt cục chẳng đi đến đâu cả. Chỉ tội cho hàng ngàn dân Việt vì tai bay vạ gió mà chết hoặc mang thương tích thảm thương ở các tỉnh gần biên giới trong cuộc đánh nhau.

Việc chiếm đóng Kampuchea chẳng có lợi lộc gì cho Việt Nam, lại còn tiền mất tật mang. Trong đầu thập niên 1980, Việt Nam kiệt quệ vì không còn nhận được viện trợ từ Tàu cộng, lại còn suy xụp thêm vì quốc tế lên án Việt Nam về vụ Kampuchea, khiến cho mậu dịch như bị bế quan tỏa cảng. Thêm vào đó, chế độ kinh tế cộng sản nhắm vào kiểm soát trung ương, cấm cản tự do buôn bán nên thương mại dậm chân tại chỗ. Nhận thấy tình trạng ngày càng nguy ngập lửa cháy ngang mày, chính quyền Việt Nam bắt đầu chương trình Đổi Mới vào năm 1986, đổi sang kinh tế thị trường, giảm thiểu kiểm soát của nhà nước và rút quân cuốn gói ra đi rời khỏi Kampuchea. Nhờ vậy nền kinh tế dần dần hồi phục, lạm phát bớt dần. Nhưng rồi chỉ được một thời gian, khi thấy có chút tiến triển, đảng cộng sản Việt Nam lại ngựa quen đường cũ, tiếp tục thói bóc lột hà hiếp dân. Chương trình Nói Và Làm (NVL) của Nguyễn Văn Linh biến thành Nói Và Lờ, đâu cũng vào đấy.

Để gây uy tín với cộng đồng quốc tế, chính phủ CHXHCNVN muốn vinh danh Hồ trên lãnh vực quốc tế. Họ vẽ vời chuyện không cần thiết và đánh một lá bài nguy hiểm vì nếu không thành công thì sẽ là mối nhục nhã cho đất nước. Nhưng họ vẫn như điếc không sợ súng, lao đầu vào, cố gắng xin xỏ UNESCO có lời tôn vinh Hồ. UNESCO chỉ ghi chú và xét rằng Hồ là người vĩ đại trong nền văn hóa Việt Nam theo lời yêu cầu của chính phủ CHXHCNVN, chứ không có thừa nhận, và cũng không coi Hồ có tầm vóc quốc tế. Bằng cớ cho thấy UNESCO phân biệt "ghi chú/xét rằng" khác với "thừa nhận," và "quốc gia" khác với "thế giới/ quốc tế" là trong cùng một phân đoạn nói về Hồ, UNESCO "thừa nhận" ông Phya Anuman Rajadhon, một học giả Thái Lan, là một học giả vĩ đại với những đóng góp cho "thế giới" văn học. Phân đoạn này cho thấy UNESCO coi Hồ thua xa ông Rajadhon. Đó là không kể Hồ là một lãnh tụ nước trong khi ông Rajadhon chỉ là một dân quèn. Thay vì coi đó là một mối nhục dân tộc, chính phủ CHXHCNVN lại mồm loa mép giải, huênh hoang Hồ là "người văn hóa nổi tiếng thế giới." Không hiểu chính phủ Việt Nam toàn là những người dốt như bò, đọc những hàng chữ "ghi chú" và "xem xét" mà như vịt nghe sấm, không hiểu gì cả và không phân biệt được những chỉ định quốc tế; hoặc họ là những người chứng nào tật nấy, dùng vải thưa che mắt thánh để lừa lọc dân gian; hoặc họ biết nhưng lỡ phóng lao phải theo lao không thể thoát ra khỏi kết cục xấu hổ và thay vì đó lại chọn giấu giếm nó bằng dối trá trắng trợn. Chỉ tội nghiệp cho hàng triệu người Việt sống tại Việt Nam, nhất là giới trẻ, tưởng rằng Hồ được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. 

Đã thế, đảng cộng sản Việt Nam còn thánh thiện hóa Hồ, ca công tụng đức, coi lời lẽ hắn như khuôn vàng thước ngọc, dệt gấm thêu hoa những thành tích tác nhân cộng sản như lả những hoạt động cách mạng. Họ muốn chứng minh rằng câu nhân vô thập toàn là sai lầm với Hồ Chí Minh và dân Việt phải hãnh diện là có một nhà lãnh tụ văn hay chữ tốt và đức rộng tài cao và phải tôn thờ hắn như thánh thần. Nhưng cái hãnh diện đó chỉ là một danh dự hão huyền với một giá đổi lại quá đắt: cả thế giới cười chê dân Việt là ngu xuẩn, tôn thờ sùng bái một lãnh tụ dốt nát, hiểm ác và vô đạo đức. ĐCSVN lại còn không để Hồ mồ yên mả đẹp, làm ngược lại di chúc hắn muốn được hỏa thiêu mà đem ướp xác hắn, để trưng bày triển lãm trong lăng khổng lồ. Hàng ngày, những người bị lừa bịp, trong nước và nước ngoài, lũ lượt đứng xếp hàng ở lăng Hồ để được chiêm ngưỡng dung nhan hắn, với xác chết cứng đơ như khúc gỗ nằm trong lồng kính trong một bầu không khí tiêu điều ảm đạm. Không khác gì hàng triệu người đã xem xác Stalin. 

Một chuyện kỳ lạ xảy ra là Stalin, kẻ sát nhân hàng triệu người lúc còn sống, vẫn còn có tà khí để ráng giết thêm hàng trăm người cho dù đã chết. Cũng chỉ vì muốn nhìn xác Stalin lúc hắn mới chết, 500 người phải chế̉t vì giày xéo nhau trong lúc hối hả chạy loạn xà ngầu. Cũng may cho dân Nga là xác Stalin đã bị dời ra khỏi lăng sau này và chôn tại một nơi hẻo lánh, nếu không thì nước Nga đã bị rơi vào cảnh lầm than đói rách. Một điều quái lạ là dân Việt Nam nổi tiếng mê tín dị đoan mà lại không nghĩ ra là khi Hồ chết mà không được hỏa thiêu như ý muốn thì hắn sẽ biến thành hồn ma vất vưởng, triệu tập âm binh thiên tướng nhũng nhiễu dân lành như rắn chết vẫn còn nọc, và do đó dân Việt vẫn tiếp tục sống trong cảnh A Tì địa ngục, dầu sôi lửa bỏng, nơi mà lũ âm binh cộng sản hoành hành. Một cách giúp dân là chấm dứt ca ngợi hắn, mang xác hắn ra khỏi lăng và thiêu đốt thành tro để dẹp cái âm dương quái khí đó, và để hắn siêu thoát đi gặp Marx và đồng chí Lenin của hắn.

Năm 1989, một loạt thay đổi chính trị xảy ra tại Đông Âu, dẫn đến sự xụp đổ của các chế độ cộng sản. Thế là Việt Nam hỏng chân hụt cẳng không còn chỗ dựa. Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) cuống cuồng quýnh quáng cố gắng kiếm cách dĩ hòa vi quý với Tàu cộng. Nhiều người lãnh tụ Đảng vẫn còn thầm thương trộm nhớ người bạn ngày nào nên chụp lấy cơ hội, ưỡn à ưỡn ẹo tiến tới nối lại tình xưa với Tàu cộng. Quả thật tình cũ không rủ cũng tới, Tàu cộng mừng húm, mở cờ trong bụng hoan hỉ chào đón phái đoàn Việt Nam trong cảnh bến cũ đò xưa. Năm 1990, tại Hội Nghị Thành đô, các lãnh tụ Việt Tàu thảo luận về vấn đề chính trị tại Campuchia và bình thường hóa mối liên hệ Việt Tàu. Tiếng đồn gần xa cho biết có những thỏa thuận về lãnh thổ bất lợi cho Việt Nam. Nhưng cho đến nay, chính phủ cộng sản Việt Nam vẫn chưa công bố hoàn toàn các thỏa thuận này. Năm 1991, Liên Xô bị giải tán. Cuối năm 1991, Việt Nam và Tàu cộng bình thường hóa liên hệ ngoại giao với nhau, không những biến thù thành bạn, gương vỡ lại lành mà còn khắng khít nhau hơn xưa. Cùng là những người đàn áp dân chủ, ĐCSVN và Đảng cộng sản Tàu quả thật là xứng đôi vừa lứa. Các lãnh đạo hai bên tán dương lẫn nhau, mẹ hát con khen hay. Các cuộc họp thảo luận bang giao sau đó rất là tâm đầu ý hợp. Năm 1994, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton bùi tai nghe lời các cố vấn kinh tế nên bãi bỏ hoàn toàn cấm vận. Sau đó, năm 1995, trong tinh thần tứ hải giai huynh đệ, Hoa Kỳ và Việt Nam tay bắt mặt mừng, thiết lập bang giao để hàn gắn lại vết thương chiến tranh sau 20 năm xa mặt cách lòng. Năm 1999, Tàu cộng và Việt Nam vẽ vời phương châm hoa hòe hoa sói cho mối liên hệ của hai nước là dựa vào 16 chữ vàng: Láng Giềng Hữu Nghị, Hợp Tác Toàn Diện, Ổn Định Lâu Dài, Hướng Tới Tương Lai, và 4 điều tốt: Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Cộng sự tốt. 

© 2014 Cao-Đắc Tuấn.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo