Bắc Hàn sử dụng lao nô để duy trì chế độ - Dân Làm Báo

Bắc Hàn sử dụng lao nô để duy trì chế độ

Michael Larkin * Samsung (Danlambao) dịch - Greg Scarlatoiu là Giám đốc Điều hành Ủy ban Nhân quyền ở Bắc Hàn. Ông viết và nói nhiều về các vấn đề nhân quyền ở Bắc Hàn cũng như các vấn đề chính trị, an ninh và kinh tế trên Bán đảo Triều Tiên.

Mới đây ông trò chuyện với ông Michael Larkin, Giám đốc Chương trình Chuyên gia Trẻ về Sự vụ Quốc tế Á châu Thái Bình Dương, về sự bóc lột người lao động của Bắc Hàn. Trong khi chúng ta hầu như ai cũng biết Bắc Hàn là một trong các quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới hiện nay, nhưng ít người biết đến chuyện Bắc Hàn gửi công dân ra nước ngoài làm việc và kiếm ngoại tệ mạnh cho một chính phủ hiện gánh chịu các sự trừng phạt kinh tế nặng nề. Chúng ta có thể nhìn thấy các "lao nô" này từ các công trường xây dựng tại Trung Đông tới các trại đốn gỗ tại Nga và các nhà hàng tại Hoa lục. 

Những người lao động Bắc Hàn bị chính thức gửi ra nước ngoài làm việc kể từ năm 1967. Ông có thể giải thích những công nhân này kiếm tiền cho chế độ như thế nào và thu nhập ấy quan trọng ra sao đối với chính phủ? 

Việc Bắc Hàn bán sức lao động của hàng chục ngàn công nhân cho các công ty ngoại quốc là phần quan trọng của một guồng máy tạo ra ngoại tệ mạnh để duy trì chế độ và là một trong những ví dụ rõ rệt về các vi phạm nhân quyền. Các ước lượng mới đây cho thấy hiện có khoảng 52,300 - 53,100 người lao động Bắc Hàn làm việc ở nước ngoài và kiếm cho chính phủ chừng 150 triệu đến 230 triệu một năm. Các xuất cảng chính thức khác của Bắc Hàn là khoảng 3 tỷ Mỹ kim một năm. Như vậy, xuất khẩu lao động chiếm 7-8 phần trăm tổng xuất cảng của Bắc Hàn. 

Làm sao có thể diễn giải hoàn cảnh mà các công nhân Bắc Hàn đương đầu là sự lao động cưỡng bức? 

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labor Organisation - ILO), lao động cưỡng bức đề cập đến những hoàn cảnh mà đương sự bị cưỡng ép làm việc thông qua sự sử dụng bạo lực hoặc đe dọa; hoặc bằng các cách thức khác tinh tế hơn, chẳng hạn như: cho vay nợ góp, thu giữ các giấy căn cước hoặc dọa trình báo với nhà chức trách di trú sở tại. Lao động cưỡng bức, các hình thức thời hiện đại của nô lệ, sự bó buộc nợ nần và buôn người là những cụm từ liên quan mật thiết dù không tương đồng trong một ý nghĩa pháp luật. 

Là một quốc gia thành viên trong Hiệp định Quyền Dân sự và Chính trị Quốc tế (ICCPR), Bắc Hàn có trách nhiệm không để tình trạng lao động cưỡng bức hoặc khổ sai xảy ra. Cộng đồng quốc tế hy vọng Bắc Hàn tuân thủ Điều khoản 8, 3(a) của ICCPR là "không người nào bị yêu cầu lao động cưỡng bức hoặc cưỡng chế". Bắc Hàn cũng phải chấp hành điều khoản 8, 1, ngăn cấm "sự nô lệ"; và điều khoản 8, 2, ngăn cấm "sự khổ sai". Các cuộc điều tra báo chí, các bản báo cáo nghiên cứu, lời khai của những người đào thoát và những doanh gia, và bằng chứng thực nghiệm cho thấy rằng Bắc Hàn vi phạm các chuẩn mực lao động được quốc tế công nhận trong chương trình xuất khẩu lao động. Người đào thoát nổi tiếng Kim Tae San đã khai trước Quốc hội Âu châu rằng hình thái cưỡng bức của các cách thức lao động quốc tế của Bắc Hàn tương đương với "sự lao động nô lệ trong thế kỷ 21". 

Người Bắc Hàn đã trải qua các trận đói trong thập niên 1990, hạn hán và thiếu thốn lương thực. Với thông tin mà tổ chức ông có được, ông nghĩ người Bắc Hàn có coi sự đi làm ở nước ngoài là một thay thế tốt đẹp hơn cho sự tiếp tục ở lại trong nước? 

Vâng. Nhiều người Bắc Hàn thèm muốn việc làm ở nước ngoài. Họ tự chọn làm việc ở ngoài Bắc Hàn dù phải hối lộ quan chức nhà nước. Tuy nhiên, họ bị buộc chấp nhận các điều kiện làm việc dưới mức trung bình và cưỡng bức; và chịu đựng các chiến thuật và chính sách đối xử bất lương, kể cả việc gia đình họ bị giữ làm con tin trong lúc họ đi lao động ở nước ngoài. 

Làm sao các công ty đa quốc gia có thể đảm bảo rằng dây chuyền cung ứng của họ không dựa vào lao công Bắc Hàn?

Bằng cách tôn trọng các chuẩn mực quốc tế về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Điều đó nói lên hầu như tất cả những gì mà một công ty đa quốc gia nên làm. Tuy nhiên, cũng không nên giả định rằng dây chuyền cung ứng người Bắc Hàn luôn luôn nhơ nhuốc. Các công ty chỉ nên tiến hành các biện pháp quyết liệt sau khi một cuộc điều tra kỹ lưỡng cho thấy lao động cưỡng bức hoặc nô lệ xảy ra trong quá trình sản xuất hàng hóa bằng công nhân Bắc Hàn. Những biện pháp đó cũng chỉ nên được tiến hành sau khi các nỗ lực tìm kiếm bồi thường được thực hiện. 

Học viện Chính sách Asan (Asan Policy Institute) nhận diện Nga và Trung quốc là hai nước thu nhận nhân công Bắc Hàn nhiều nhất. Các quốc gia dân chủ như Ba Lan và Mông Cổ cũng đã thuê công nhân Bắc Hàn. Chúng ta có chiến lược gì để gây áp lực chính trị và kinh tế với các quốc gia vừa nêu nhằm chặn đứng việc sử dụng các lao công Bắc Hàn?

Hầu như quan trọng nhất, các quốc gia này nên tôn trọng các nghĩa vụ được xác định trong pháp luật nội địa và quốc tế nhằm bảo vệ các quyền lợi lao động của công nhân ngay trong phạm vi thẩm quyền, kể cả di dân và những công nhân ngoại quốc khác. 

Ngoài hệ thống luật pháp và công ước LHQ, các tổ chức phi chính phủ NGO có những lúc làm việc hiệu quả hơn. Gây áp lực với các quốc gia chủ nhà có tinh thần trách nhiệm hơn Bắc Hàn theo luật pháp quốc tế và tiếp xúc với hệ thống kinh tế quốc tế nhiều hơn, thì một sự thay đổi dễ thực hiện hơn. Các tổ chức NGO cũng có thể gây ảnh hưởng để các công ty triệt để tôn trọng các Nguyên tắc Toàn cầu Sullivan và chỉ làm ăn ở những quốc gia tuân thủ các chuẩn mực ILO; thật vậy, giúp điều tiết, giám sát, và bảo đảm rằng các công nhân Bắc Hàn không dễ bị tổn hại và bóc lột. 

Những người Bắc Hàn làm việc tại khu Phức hợp Kỹ nghệ Kaesong (Kaesong Industrial Complex) bên trong lãnh thổ Bắc Hàn cho các công ty Đại Hàn nhận một phần lương bị trừ trước bởi vì lương được trả bằng tiền mặt cho nhân viên nhưng lại được giao cho chính phủ Bắc Hàn phân phát lại. Có phải Đại Hàn làm suy yếu các nỗ lực bảo hộ người lao công Bắc Hàn dù họ ở trong hay ngoài nước? 

Đại Hàn không chủ ý làm suy yếu các nỗ lực bảo vệ người lao động Bắc Hàn. Mặc dù khu phức hợp Kaesong nằm trong phạm vi thẩm quyền của Bắc Hàn nhưng các công ty Đại Hàn cũng bị ràng buộc bởi các chuẩn mực lao động quốc tế được quy định trong Phương chỉ nam dành cho Doanh nghiệp Đa quốc gia của tổ chức OECD. 

Bộ Thống nhất Đại hàn được trích dẫn trong một bản báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW 2006 xác định rằng nhà cầm quyền Bắc Hàn thực sự nhận 30 phần trăm tiền lương của người lao động như là "sự đóng góp cho một quỹ được lập ra để cung cấp cư xá, y tế và giáo dục miễn phí". Bản báo cáo này còn trích dẫn một quy định của Bộ Thống nhất rằng các công ty Đại Hàn phải bảo đảm là những công nhân người Bắc Hàn ký vào các phiếu lương cho thấy số giờ làm và lương của họ, nhằm chắc chắn rằng họ biết rõ họ được trả bao nhiêu tiền lương. 

Mặc dù Điều khoản 32 của Luật Lao động Khu phức hợp Kỹ nghệ Kaesong xác định rằng các công ty Đại Hàn phải trả lương trực tiếp cho những công nhân Bắc Hàn, bằng tiền mặt, nhưng nó bị tường trình là không được thi hành thích đáng. 

Ngoài các vi phạm điều luật thanh toán lương bổng, các chuẩn mực lao động cũng không được bảo hộ cụ thể tại Kaesong. Ví dụ, trong Chu kỳ 1 của cuộc Tái duyệt Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review), Tây Ban Nha đề nghị Bắc Hàn nên tu chính Luật Lao động của Khu phức hợp Kỹ nghệ Kaesong nhằm bao gồm mức tuổi lao động tối thiểu là 18 cho việc làm có tiềm năng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an ninh và tinh thần của những người lao động vị thành niên Bắc Hàn. 


09/10/2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo