Mâm mồi các cụ (Tập cuối) - Dân Làm Báo

Mâm mồi các cụ (Tập cuối)

Thất Sỹ (Danlambao) - Thịt chó tuy chẳng phải là món "quốc hồn, quốc túy" nhưng lại là món "hồn, túy" của dân nhậu, vì lượng đạm cao cộng với gia vị độc đáo khiến nó có hương vị thật là hấp dẫn. Chả thế mà hôm nay ông Đồng dùng món này để chiêu đãi các chiến hữu. Chả là ông có thằng cháu đích tôn mới học trung cấp tài chính ở trên tỉnh về được hai ông: Thần (chủ tịch xã), Kinh (bí thư xã) - cũng là cựu chiến binh lớp sau - nhận ngay vào làm kế toán xã.

Mâm rượu này chỉ có bốn ông: Hội, Đồng, Thần, Kinh - Được xếp ngồi dưới bóng cây nhìn thẳng ra cổng thật là thoáng mát, ai đi qua cũng thấy.

Sau tuần rượu đầu, ông Đồng lên tiếng giãi bày: 

- Tuổi trẻ là phải rèn luyện, phấn đấu. Tôi vẫn lấy câu thơ của Bác Hồ "Bố già dân tộc" để răn dạy các cháu:

"Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công"

Ông Hội phán tưng tửng: 

- Điều ấy thì chó nó cũng biết, khỏi cần phải dạy. Vì sao! Vì con chó ngay từ lúc còn nhỏ, nó không tập đánh hơi, tập săn mồi thì nó có tồn tại được không? (tất nhiên là chó sống trong thiên nhiên hoang dã)

Ông Kinh thấy cần phải răn đe:

- Bác mà nói thế ở ngoài đường là công an bắt ngay đấy!

Ông Hội vẫn thản nhiên với cái "lý con lươn":

- Tôi nói thế là Bác Hồ là người giỏi. Vì người giỏi là người nói ra được những điều người khác không nói ra được, nhận biết được những điều người khác chưa nhận biết được. Như ông Niu-tơn chỉ đến khi bị quả táo rơi trúng đầu mới phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn, mà thực ra lực hấp dẫn nó đã có từ khi trời đất sinh ra!

Ông Kinh hỏi móc ông Hội:

- Em biết bác đã học ở Liên Xô. Bác hay lấy chó nói chuyện người, lấy người nói chuyện chó. Không biết bác có làm được cái gì hay ho không?

- À tôi đang định chế tạo ra một loại súng để người ta mang ra ngoài vũ trụ bắn nhau.

Ông Thần dè bỉu:

- Hừ, súng đạn bây giờ thiếu gì mà phải chờ bác nghĩ ra!

- Ấy, chú không biết. Ngoài không gian vũ trụ là môi trường không trọng lượng, một khẩu súng bình thường mang lên đấy bắn thì ra khỏi nòng súng viên đạn sẽ lơ lửng vì không trọng lượng là không có quán tính. Cũng như dưới mặt đất ta ném một nắm bông, ra khỏi tay là nó lơ lửng chứ không đi đến đích mình định ném.

Ông Đồng góp vào:

- Ông làm tôi nhớ đến một câu thơ rất tự hào của Tố Hữu khi mình có thiếu tá Phạm Tuân bay vào vũ trụ: "chân dép lốp bước lên tàu vũ trụ"

Ông Hội tiếp:

- Ông nhớ ra thì tôi cũng nhớ ra là trước khi đưa con người bay vào vũ trụ thì người ta dùng con chó Lai - Ca làm vật thí nghiệm. Nếu con chó này biết làm thơ thì thể nào trong bài thơ của nó cũng có câu: "Em bước cả bốn chân lên tàu vũ trụ" 

Ông Thần nhắc ông Đồng:

- Người ta gọi Bác Hồ là "cha già dân tộc" chứ không ai gọi là "bố già dân tộc" như ông. 

Ông Đồng vặn lại:

- Thế tôi hỏi chú: cha với bố thì có gì khác nhau?

Ông Đồng xoay qua chuyện khác:

- Vừa rồi có mấy chuyện làm dư luận ồn ào: chuyện tượng đái (đại tướng), chuyện tượng đài (1400 tỷ), đấy cũng là “ý Đảng-lòng dân". Sao người ta không dựng tượng Hít-le chết; tượng móc Gha đa fi ở dưới cống lên; tượng tướng Quách bá Hùng trong trang phục đàn bà (đồng chí thượng tướng Quách bá Hùng, phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung quốc, bị tố tội tham nhũng - cải trang thành bà già trốn sang Hồng Kông nhưng không thoát). Ông phó ban tuyên giáo có nói: “Đảng là ‘con’ của nhân dân, là ‘nòi’ của dân tộc". Ơ hay, ông này có uống thuốc liều không mà ăn nói ngược ngạo vậy? vì dân gian có thơ rằng: 

"Đảng là mẹ, Bác là cha
Từ ngày Bác mất đảng ta góa chồng"

Mẹ Đảng đã cầm tay chỉ việc cho con Dân từ lâu rồi. Đảng còn ngồi trên cả bàn thờ thay cả các bậc tiên sư phán như sấm truyền từ lâu rồi. Hay là ông này quá ngấm lời Bác dạy: "Mỗi cán bộ phải là một người đầy tớ trung thành của nhân dân" mà trong dân gian đầy tớ đã cho ông chủ ăn cức từ lâu rồi.

Ông Hội nhớ đến chuyện ngày xưa:

- Ngày xưa cụ Giang văn Minh đi sứ sang Tàu (đời nhà Minh), vua Tàu ra một vế đối để hạ nhục sứ ta: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng Mã viện đến nay rêu đã xanh). Cụ Giang văn Minh đã can đảm và khảng khái đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng" (Sông Đằng từ xưa đã nhuộm đỏ máu giặc). Vua Tàu nổi giận sai trét đường vào mắt, vào miệng cụ, rồi mổ bụng moi gan để xem gan lớn nhường nào nhưng vẫn phải kính nể cụ - cho ướp xác cụ để chuyển về nước. Đấy, ngày xưa các cụ đi sứ như thế chứ không phải đi sứ để buôn lậu sừng tê giác.

Ngày xưa có xuất khẩu lao động không? Có đấy. Cụ lương y Tuệ Tĩnh bị cống nạp sang Tàu để chữa bệnh cho vua chúa bên ấy được vua Tàu phong là "Đại y thiền sư". Cụ Nguyễn An sang Tàu để thiết kế xây dựng Tử Cấm Thành - được vua Tàu phong làm "kiến trúc sư trưởng Bắc Kinh". Đấy, ngày xưa các cụ xuất khẩu lao động như thế chứ không xuất khẩu những là: cửu vạn, osin, gái điếm.

Ngày xưa vua cũng phải hỏi ý kiến người dân, như hội nghị "Diên Hồng" vua hỏi ý dân về việc "Sát Thát" (giết giặc Nguyên), đấy không phải là hội nghị của các "chân gỗ" (vì hồi ấy chưa có chân gỗ, chứ hội nghị toàn chân gỗ thì chẳng giải quyết được cái gì). Cũng may trong hội nghị ấy không có ông tướng nào đứng lên mà phát biểu rằng: "tôi lấy làm lo lắm…"

Ông Đồng ra vẻ phản bác:

- Nói như ông thì những thế hệ sau này không có anh hùng à! Anh hùng Lê văn Tám đấy: lấy thân mình làm đuốc sống để đốt kho vũ khí của giặc, nhưng hình như người anh hùng này không được sinh ra, không được lớn lên vì người ta không tìm thấy bố mẹ, anh chị em, quê quán của anh ở đâu. Chị hùng Võ thị Sáu trên đường ra pháp trường vẫn ngắt một nhành hoa gài lên mái tóc - cứ như là sắp sửa lên sàn biểu diễn thời trang!

Ông Kinh nói đến sự lạc quan tin tưởng của mình:

- Vừa rồi đồng chí tổng bí thư của mình sang Mỹ đã ký được những văn bản hữu nghị, hợp tác toàn diện. Đồng chí còn tặng ngài Obama "16 chữ vàng". Chao ôi, nghe thế em đã muốn gọi ngài Obama là “đồng chí Obama”.

Ông Đồng lý sự:

- Thế còn “16 chữ vàng” với “4 tốt” của “tồng chí Tàu” thì vứt cho ai? Trong đó có cả câu “tồng chí tương liền” (đồng chí tương liên) nữa đấy. À mà gọi ngài Obama là đồng chí cũng được - nếu vào một ngày nóng nực nào đấy, ngài bỗng dưng nổi trận thần kinh mà tuyên bố rằng: nước Mỹ chọn tư tưởng Mác-Lenin làm kim chỉ nam…" 

Rượu vào, máu nóng lên làm ông Hội cứ muốn dốc bầu tâm tư:

- Con người ai cũng có nhu cầu và sở thích, nhu cầu thì có nhiều điểm chung còn sở thích thì có nhiều điểm riêng. Xã hội càng văn minh thì người ta càng có điều kiện để thực hiện các nhu cầu sở thích của mình - đấy là tự do. Nhưng không phải là tự do vô lối, vì như vậy sẽ dẫn tới hỗn loạn. Xã hội văn minh phá bỏ những ràng buộc cũ thiết lập những ràng buộc mới trong mối tương quan mới. Còn xã hội cổ hủ thì ràng buộc con người càng nhiều càng dễ cai trị. Vì vậy xã hội văn minh là xã hội ổn định và phát triển, con người sống có chất lượng - còn xã hội cổ hủ là xã hội ung nhọt, cuộc sống không có chất lượng. Ấy là tôi chỉ là ếch ngồi đáy giếng đếm sao trên trời thế thôi, cũng may nhờ có internet mình mới được mở rộng tầm nhìn. Theo tôi, những người tự biết mình ngu còn vĩ đại hơn những người cứ tưởng mình khôn, có như vậy xã hội mới bớt đi những nhân vật như AQ của Lỗ Tấn - dùng mọi lý lẽ để bao biện cho cái hèn, cái ngu của mình.

Trong thế giới động vật có những loài chỉ chúi mũi xuống đất để kiếm ăn, có như vậy mới tồn tại được. Trong thế giới thực vật có loài không mọc lên từ đất mà mọc lên từ thân cây khác rồi leo lên rất cao - ấy là loài tầm gửi. Còn trong xã hội loài người cũng có loài vừa chúi mũi xuống đất, vừa ăn bám để leo cao - ấy là loài lưu manh. Đức Chúa hay Đức Phật cũng bó tay trước loài này chỉ còn biết kêu gọi con người hãy rửa sạch cái tâm của mình.

Người cai trị không phải là người chăn cừu chỉ biết dùng roi và chó săn để săn đuổi những con cừu lạc. Mà nếu là người chăn cừu thì cũng phải lùa đàn cừu của mình đến những nơi có cái ăn, có nước uống mới giữ được đàn cừu. Chỉ có kẻ điên mới lùa đàn cừu đến cánh đồng hoang tàn, đầy xác chết.

Bỗng nhiên tiếng nhạc, lời ca êm ái ở đâu vẳng đến. Ông Thần bảo: nhà nào bật nhạc vàng to thế! Làm cho Ông Hội tiếp tục tâm tư:

- Nhạc vàng có sức sống của nó Tôi vẫn xem các chương trình nhạc vàng hải ngoại Paris by night. Hay và xúc động, hiện đại, hoành tráng và lộng lẫy mà vẫn nặng tình quê hương. Tôi lấy làm lạ là những người đã phải trốn khỏi tổ quốc của mình trong cay đắng và tủi nhục, bất chấp hiểm nguy với một tương lai mờ mịt đến sống trên đất nước mà một thời Bắc Việt gọi là “kẻ thù số một” là “tên đế quốc đầu sỏ” nhưng họ đã thành một cộng đồng lớn mạnh có đóng góp cho đất nước đã cưu mang mình, có dòng ngoại hối không nhỏ gửi về quê hương. Trong khi đó cộng đồng người Việt ở Nga và Đông Âu họ được ra đi đường đường chính chính là đi học tập, đi công tác rồi ở lại (chủ yếu là người miền Bắc xã hội chủ nghĩa) thì chẳng có tiếng nói gì. Chắc họ còn đang bận buôn lậu!

Bỗng nhiên hai ông Nhân, Dân hối hả từ cổng đi vào đến thẳng chỗ ông Thần:

- Ông chủ tịch đây rồi, mời ông giải quyết: ruộng nhà chúng tôi đang chờ nước để chuẩn bị cấy cho kịp vụ thế mà đến hôm nay vẫn chưa có nước trong khi khu ruộng bên thì có.

Ông Thần trả lời:

- Việc ấy hỏi đội của ông chứ sao lại hỏi tôi!

- Thằng Đội đổ cho thằng Bơm, thằng Bơm đổ cho thằng Điện - thế thì chúng tôi biết hỏi ai?

- Hay là các ông chưa nộp đủ nghĩa vụ?

- Nghĩa vụ nộp đủ rồi, chỉ chưa lo lót thôi. Nhưng vụ vừa rồi thất bát chúng tôi chẳng lấy đâu ra mà lo lót.

- Hôm nay là ngày nghỉ, mai ra ủy ban giải quyết.

- Ông chẳng phải đi đâu cả, chỉ cần điện thoại cho mấy người liên quan thì họ sẽ giải quyết. Chúng tôi chờ ông ở đây.

Vừa lúc ấy có một thanh niên dặt dẹo đi qua ngõ, ông Thần gọi vào cho một chén rượu rồi sai:

- Mày ra chợ gọi cho tao thằng Côn, thằng Đồ vào đây.

Ông Đồng bầy chén bát mời hai ông nhưng đang sốt ruột mà ở lại chẳng giải quyết được gì nên các ông quầy quả bỏ đi.

Ông Kinh góp ý với ông Thần:

- Việc này ông nên bảo mấy tay cấp dưới xem mà giải quyết cho người ta.

Ông Thần nói thẳng:

- Ồi, hơi đâu mà chiều hai ông ấy. Mình ép cấp dưới của mình thì lại gây mất đoàn kết nội bộ.

- Cấp dưới của ông có thằng ăn bẩn lắm đấy, ăn cả tiền trợ cấp cho người tàn tật.

- Vụ ấy tôi xử lý rồi, nhưng cũng phải nhẹ tay - vì thằng ấy nó có người nhà trên huyện, có chính sách gì là nó chạy được ngay, với lại nó còn cửa nào để ăn được nữa đâu. 

- Lại còn vụ gà giống cấp cho hộ nghèo đi đâu hết, nghe nói nó vào nhà ông đến 200 con đấy!

- Thì thằng con ông nó cũng có 150 con đấy.

- Thằng con tôi nói là nó mua cơ mà.

- Ừ thì nó mua, tôi bán cho nó đấy.

- Làm ăn thế thì chết. Để xã viên kêu ca nhiều tôi sẽ cho cấp ủy kiểm điểm các việc làm của ông.

- Cấp ủy của ông cũng là cấp dưới của tôi. Để xem đợt bầu bán này ông thắng phiếu hay tôi thắng phiếu. Mà tôi cũng nói để ông biết: 12 con dê cấp cho hộ nghèo mà đi lạc vào chuồng nhà ông nếu không bị lộ thì chắc gì ông đã mang trả nhỉ!

Ông Kinh quăng bát đứng dậy:

- Đấy là dê huyện gửi thì tôi trả huyện.

Rồi ông quay ngoắt ra cổng vừa đi vừa lẩm bẩm:

- Mẹ nó, đụng đến bố rồi bố sẽ cho mày biết thế nào là lễ độ.

Ông Thần cũng ném đũa bỏ về, miệng lầm bầm:

- Mẹ nó, đụng đến bố rồi bố cho cả họ nhà mày vỡ niêu.

Chỉ tội cho ông Đồng những tưởng mời mọi người đến ăn nhậu cho vui, ai ngờ cơm không lành, canh không ngọt. Rồi chuyện này vỡ ra làng xóm thì còn ra cái thể thống gì ./.


11/10/2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo