Ở Quảng Trị, người lính vẫy tay nhau - Dân Làm Báo

Ở Quảng Trị, người lính vẫy tay nhau


Lời người dịch: Tác giả Peter Osnos chứng kiến ở Quảng Trị “cảnh tượng phi thường và xúc động” vào ngày ngừng bắn ở nơi mà 80.000 người đã ngả xuống trong mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Huế, 28/1/1973 - Ở Quảng trị vào sáng ngày Chủ Nhật, trên chiến tuyến của Nam Việt, cuộc bắn pháo dữ dội chấm dứt ngay sau 8 giờ sáng và những người lính ở hai chiến tuyến thù địch hát và vẫy tay nhau qua đôi bờ sông Thạch Hãn.

Sương mù ban mai vẫn còn dày đặc khi Trung tá Nguyễn Thế Lương, chỉ huy thủy quân lục chiến đóng ở thành phố Quảng Trị, bước ra ngoài lô cốt chỉ huy, bắt tay những phóng viên đến thăm và nói bằng tiếng Việt:

“Cảm ơn quý vị rất nhiều vì có mặt ở đây nhân dịp ngừng bắn lịch sử này. Hòa bình có lâu dài hay không phụ thuộc vào thiện chí của kẻ thù.”

Mọi người uống cà phê nhạt và lạnh chúc mừng.

Trong thành phố ngày xưa mà bây giờ đổ nát hoang tàn dường như có sự khởi đầu mới.

“Đây ly rượu Whiskey Việt Nam mừng hòa bình Việt Nam,” một người lính hân hoan mời rượu có màu giống nước trà trông đáng ngờ.

Trời tờ mờ sáng. Cuộc bắn pháo càng dữ dội cho đến lúc sát 8 giờ, khi đấy những loạt pháo dường như rơi xuống cứ vài giây một lần. Bên trong lô cốt chỉ huy của tiểu đoàn một, cố vấn Mỹ, Đại úy Rich Higgins, liếc nhìn đồng hồ rồi nói với Trung tá Lương: “ Đến giờ rồi. Bây giờ là 8 giờ 2 phút.”

“Chúng tôi đang bị pháo kích,” trung tá nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp trả hỏa lực.”

Ai đấy phải dừng lại, và vào lúc 8 giờ 5 phút trung tá bắt đầu gọi điện ra lệnh ngừng bắn.

Chỉ vài phút sau trung tá và những sĩ quan khác xuất hiện trước cảnh yên tĩnh lạ thường.

Thoạt đầu dè dặt, những người lính thủy quân lục chiến bắt đầu bước ra khỏi các lô cốt. Các sĩ quan của họ ra lệnh họ vẫn phải mặc áo giáp và đội mũ sắt.

Trong Cổ Thành, thành lũy đã bị B52 đánh thành tro bụi trong mùa hè qua, binh sĩ tụ tập thành từng nhóm nhỏ dọc theo bờ sông căng mắt nhìn cử động của lực lượng cộng sản ở phía bờ bên kia, cách xa độ 100 mét. Họ dựng những lá cờ vàng ba sọc đỏ trên mọi đồ vật, khiến phong cảnh hoang tàn bừng sống lại dưới bao màu sắc.

Rồi, ở đằng xa, ai đấy nhận ra lá cờ đỏ cộng sản. Những người lính ở bờ bên này la lên, chỉ trỏ và vẫy tay nồng nhiệt. Một người lính cộng sản lẻ loi xuất hiện đằng sau hai tàu lá dừa lớn và vẫy tay lại.


Nguồn:

Trích dịch từ báo The Washington Post số ra ngày 29/1/1973, trang A1. Tựa đề tiếng Anh “At Quangtri, Soldiers Wave”.

Bản tiếng Việt:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo