Biển Đông - Dân Làm Báo

Biển Đông

Nguyễn Đắc Dõng (Danlambao) - Đêm thứ Ba, 21 tháng Một, 2018, chiến hạm Guided Missile Destroer USS Hopper đã chạy ngang qua bãi cạn Scarborough, bên trong vùng lãnh hải 12 hải lý. Trung Quốc (TQ) đã hùng hổ, phản đối, đe dọa và cáo buộc Mỹ đã xâm phạm chủ quyền lãnh hải của TQ và đã cho hành động của Mỹ là sự thách thức sai lầm, thúc đẩy TQ quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa nhanh hơn.

Sự hùng hổ của TQ là yếu tố tâm lý dễ hiểu. Khi Mỹ đã cho các chiến hạm chạy ngang bên trong vùng lãnh hải 12 hải lý của các đảo nhân tạo Fiery Cross, Mischief Reef v.v... TQ cũng đã phản đối. Nhưng lần này có lẽ mạnh mẽ hơn. Lý do là vì bãi cạn Scarborough chưa nằm hẳn trong tay TQ và TQ muốn lấy cớ đó để nói với Philippines là Mỹ là nước đã gây ra những khủng hoảng tại Scarborough.

TQ đã có ý định cải tạo bãi cạn Scarborough cùng lúc với 7 đảo đã được hoàn thành. Nhưng lúc đó Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã lưu ý Chủ tịch Tập cận Bình là đã vượt quá xa lằn ranh đỏ. Mỹ sẽ có phản ứng, nếu TQ bồi đắp Scarborough. Tập Cận Bình dừng tay.

Mỹ đã và sẽ không ngăn cản TQ bồi đắp các đảo nhân tạo trên biển Đông. Riêng năm 2017, TQ đã tạo được hơn 190.000 mét vuông đảo. TQ đã hiểu tâm lý của Mỹ, “thích nói nhiều, nhưng không làm”. Nên TQ cứ từ từ như tằm ăn dâu. Lâu dần sẽ có những thực tế đã rồi. Không ai có thể đem búa, rìu đến mà đập phá được. Bao giờ thì nhân dân VN. sẽ cùng nhau ra đập phá Hoàng Sa để lấy lại? “Chúng ta không làm được, thì mai sau con cháu chúng ta sẽ lấy lại”. Câu nói vừa vô lý, vừa vô trách nhiệm như vậy mà vẫn tồn tại.

TQ đã trở thành một kẻ xâm lăng, tráo trở, tham lam, bất chấp luật pháp quốc tế, để ngoài tai những lên án của thế giới, xem thường chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của các quốc gia nhỏ yếu, sử dụng sức mạnh quân sự để nói chuyện phải trái. Các nước trong khối ASEAN đang đứng trong thế yếu, đứng xem TQ tự tung, tự tác, và chấp nhận những việc đã rồi.

Bộ Quy Tắc Ứng Xử giữa các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, COC (Code of Conduct), khởi đầu là bộ Quy tắc được soạn thảo giữa các quốc gia ASEAN mà thôi. Đúng ra, khối ASEAN phải tuyên bố dứt khoát COC chỉ được soạn thảo và được áp dụng trong khối ASEAN. Nhưng sau đó, TQ lại cũng là một thành viên và COC trở thành bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và TQ.

Khi cho TQ trở thành một hội viên có quyền tham gia, ý kiến, quyết định, khi soạn thảo bộ quy tắc, một cách vô hình chung, khối ASEAN đã chấp nhận sự hiện diện của TQ trên biển Đông là hợp pháp. Trong khi các quốc gia Đông Nam Á luôn luôn từ chối sự hợp pháp của đường lưỡi bò 9 đoạn, từ chối sự hợp pháp của các đảo nhân tạo mà TQ đã bồi đắp. Đúng ra, những gì cho là bất hợp pháp, thì nên bỏ ra ngoài.

Nay trong các cuộc thương thảo về bộ quy tắc COC, TQ đã nắm cái cán. Khối ASEAN hoàn toàn lệ thuộc vào ý kiến, quyết định của TQ TQ bảo tiến tới, thì tiến. TQ bảo ngưng, thì ngưng.

Gần một năm nay, tin tức lúc nào cũng thấy nhiều hy vọng rằng bản quy tắc COC sẽ sớm được hoàn thành. Khi nào sẽ hoàn thành? Phải chờ cho đến khi TQ đã hoàn thành các công trình tôn tạo, và quân sự hóa tất cả các đảo, kể cả bãi cạn Scarborough. Và không ai có thể tiên đoán được ý định của TQ sẽ làm gì sau đó.

Hết chiến lược “xoay trục về Á châu”, nay đến chiến lược “Ấn Độ- Thái bình dương”. Mỹ muốn bán cái Đông Nam Á cho Ấn Độ? Ấn Độ sẽ là đầu tàu dẫn dắt các nước Đông Nam Á chống TQ?

Ấn độ có đủ khả năng đội đá, vá trời đó hay không? Tôi không một mảy may hy vọng. Ấn Độ không thể là một đối thủ ngang tầm với TQ về mọi phương diện. Ấn Độ còn những khó khăn trên biên giới phía Bắc với Pakistan, và đông bắc với TQ

Sự khác biệt giữa người mạnh, kẻ yếu là: người mạnh thì làm việc. Kẻ yếu thì rêu rao lý thuyết. Mỹ chạy lòng vòng, hết lý thuyết này, đến lý thuyết khác. TQ cứ âm thầm làm, bỏ mặc luật pháp, dư luận, xem tất cả những thứ đó là vô giá trị. Cuối cùng, người làm thì được việc. Người nói lý thuyết, thì lý thuyết đã bay theo gió, theo mây.

TQ đã hoàn toàn thành công trên biển Đông. Thỉnh thoảng, Mỹ cho một vài chiến hạm chạy ngang qua các đảo nhân tạo của TQ TQ biết chắc là Mỹ sẽ không dừng lại một vài ngày để mò cua, bắt ốc. Chỉ chạy qua vài ba mươi phút là xong. Nhưng TQ phải la làng, phải phản đối. Là do họ đề phòng về sau. Nếu trong tương lai, có ai đó hỏi: Tại sao ngày đó, tháng đó, tàu chiến của Mỹ đả chạy trong vùng biển TS. mà TQ không lên tiếng?

Ngoài Mỹ ra, có tàu chiến nước nào dám lảng vảng trong vùng biển Đông hay không? Đó là sự thành công của TQ.

Gần đây, Tiến sĩ Trần Công Trực tại Hà Nội và một số chuyên gia về biển Đông đã nêu ý kiến là phải mở cuộc chiến tranh pháp lý, khối ASEAN phải hợp tác, đoàn kết, có cùng một tiếng nói, chung lòng, chung sức để đấu tranh pháp lý với TQ.

Đấu tranh pháp lý với một kẻ bất chấp pháp lý, nói lẽ đúng, sai với một kẻ bất chấp lẽ phải, cuộc đấu tranh đó sẽ đi đến đâu?

Nếu VN, Philippines, khối ASEAN không đặt nặng sự chú ý đến đường lưỡi bò 9 đoạn, vô tình hay cố ý lờ đi, hậu quả sẽ vô cùng tai hại. Mà VN sẽ là nước gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất vì tất cả các đảo ở Trường Sa là của VN đều nằm bên trong đường 9 đoạn.

Nay, Ts. Trần Công Trực và một số chuyên gia về biển Đông lo ngại là TQ sẽ cho kẻ những đường cơ sỏ thẳng ở các đảo Trường Sa do TQ xây dựng. Nếu nghĩ như Ts Trực và các chuyên gia, e rằng hạn hẹp quá. Mục đích của TQ xây dựng các đảo ở Trường Sá không những chỉ là những cái đảo, mà bao gồm tất cả vùng biển rộng lớn ở vùng này. TQ muốn làm chủ vùng biển rộng lớn đó vì tài nguyên dầu mỏ, hải sản, không cho Mỹ dễ dàng tiếp xúc với các nước Đông Nam Á v.v...

Theo tôi, TQ sẽ tạo vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, như những nơi hợp pháp khác. Những vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn giúp cho các đảo nhân tạo kết nối thành một chuổi đảo rộng mênh mông. Sẽ tạo nên vùng chồng lấn có lợi cho TQ cả về kinh tế, lẫn quân sự. Như đảo Mischief Reef chỉ cách Palawan của Philippine 129 miles, Scarborough cách thủ đô Manila 150 miles. Hoàng Sa của Việt Nam cách Đà Nẵng 175 hải lý. Báo cáo từ báo Phillipines Daily Inquire (05.02.2018): Phillipine sẽ mất 40% ngư trường, và 80% vùng đặc quyền kinh tế.

Có ai, có thế lực nào ngăn cản TQ làm điều đó hay không? Chắc chắn là không. Không vì lý do đó, mà Mỹ sẽ hợp tác với Nhật, Ấn Độ, Úc để khai chiến với TQ.

Chỉ có Mỹ, là đối thủ mà TQ kiên dè. Lôi kéo được Mỹ vào là chiến lược hàng đầu và duy nhất để chống TQ của các quốc gia ĐNÁ. Muốn lôi kéo Mỹ, thì phải nghĩ đến kinh tế. Các nước ĐNÁ phải là một thị trường tiêu thụ, thị trường đầu tư hấp dẫn cho các doanh nhân, các nhà đầu tư của Mỹ và các nước. Mỹ luôn đặt quyền lợi của Mỹ lên trên sự mất mát của các quốc gia khác.

12.02.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo